Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển khai đồng thời các hình thức cai nghiện ma túy

Vũ Minh| 10/07/2021 07:36

(HNM) - Hiện nay, công tác cai nghiện ma túy được thực hiện theo diện tự nguyện và bắt buộc. Người đi cai nghiện bắt buộc điều trị tập trung tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập sau khi có quyết định của tòa án, trong thời gian tối đa 2 năm. Còn người đi cai nghiện tự nguyện có thể điều trị tại gia đình, cộng đồng, điều trị tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập, tự nguyện hoặc điều trị thay thế bằng Methadone theo thời gian linh hoạt. Để nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy, Hà Nội triển khai đồng thời các hình thức cai nghiện.

Tư vấn cho người sau cai nghiện ma túy tại điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng ở phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy).

Sáng tạo trong điều trị cai nghiện tập trung

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, môi trường nào, con người luôn là yếu tố trung tâm, có vai trò quyết định đối với hiệu quả của công việc. Do đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội luôn khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ sở cai nghiện ma túy tập trung cùng đội ngũ cán bộ, nhân viên tại các đơn vị phát huy tinh thần sáng tạo, đưa ra những sáng kiến, xây dựng các mô hình điều trị cai nghiện phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị cai nghiện.

Chẳng hạn, tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội - nơi thường xuyên điều trị cho hơn 300 người đi cai nghiện theo diện bắt buộc, đa số họ có diễn biến tâm lý, hành vi phức tạp. Với những trường hợp này, ngoài các giải pháp trợ giúp về y tế, họ được hỗ trợ về việc làm, tạo điều kiện để sinh hoạt văn hóa, luyện tập thể dục, thể thao… Hiểu rõ nhu cầu của học viên, Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 đã tận dụng cơ sở vật chất hiện có để học viên tham gia lao động trị liệu với công việc trồng trọt, chăn nuôi, làm cơ khí… Đội ngũ cán bộ nơi đây cũng luôn hết lòng vì học viên.

Điển hình là anh Trần Trung Hiếu, cán bộ Phòng Y tế - Phục hồi sức khỏe đã có sáng kiến hỗ trợ người nghiện ma túy điều trị cai nghiện bằng phương pháp tắm các loại nước lá có chứa tinh dầu được trồng trong khuôn viên Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội. Học viên N.T.T cho biết: “Chúng tôi được tắm bằng nước lá trong giai đoạn đầu điều trị cai nghiện. Hương thơm từ các loại lá giúp chúng tôi tinh thần sảng khoái, thoải mái hơn, qua đó dần hình thành ý thức điều trị tích cực”.

Tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội, học viên thường xuyên được tham gia sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao; lao động trị liệu tại xưởng phân loại giấy vụn, xưởng gia công đồ nội thất, xưởng gia công đồ điện dân dụng, xưởng sản xuất hàng mây, tre đan... Tương tự, Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội luôn quan tâm từ những việc nhỏ nhất. Chứng kiến học viên thiếu phương tiện vui chơi, giải trí, anh Trần Đức Hoàng, Phòng Giáo dục - Hòa nhập cộng đồng đã tận dụng đồ cũ để cải tiến thành thiết bị vui chơi cho học viên sinh hoạt.

Ngoài những địa chỉ nêu trên, các cơ sở cai nghiện ma túy khác trên địa bàn Hà Nội cũng có nhiều cán bộ, nhân viên trở thành điểm tựa tinh thần, giúp những mảnh đời lầm lỡ hướng thiện, đồng thời có nhiều sáng kiến hỗ trợ điều trị cai nghiện.

Đa dạng hình thức điều trị tại gia đình, cộng đồng

Nhằm nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy, Hà Nội còn quan tâm đưa các mô hình cai nghiện về cơ sở, phát triển tại cộng đồng. Từ đầu năm 2019 đến nay, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã huy động các nguồn lực để triển khai mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng” và “Mô hình tăng cường hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi với người sử dụng ma túy” tại nhiều địa phương.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, các địa phương có mô hình cai nghiện tại cộng đồng như quận Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, huyện Thanh Trì... đã xây dựng kế hoạch duy trì hoạt động của mô hình này lồng ghép với công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn; đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động người nghiện, người sử dụng ma túy tham gia điều trị cai nghiện tại cộng đồng.

Ngoài ra, các địa phương trên địa bàn Hà Nội cũng duy trì hoạt động của 37 câu lạc bộ quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy (Câu lạc bộ B93) tại nhiều địa phương. Nhằm kết nối người nghiện, người sử dụng ma túy và những người có liên quan đến các địa chỉ điều trị tin cậy, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội thành lập, duy trì hoạt động của Đội Công tác xã hội tình nguyện với 4.000 tình nguyện viên. Các tình nguyện viên là những người uy tín, có trách nhiệm tại cộng đồng, hiểu rõ gia cảnh, nhu cầu của từng trường hợp, nên họ biết cách vận động người nghiện, người sử dụng ma túy chủ động, tích cực điều trị cai nghiện tự nguyện...

Nhờ việc triển khai cùng lúc, đồng thời nhiều hình thức điều trị cai nghiện ma túy, từ đầu năm 2021 đến nay, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có những thời điểm các cơ sở cai nghiện phải tạm dừng tiếp nhận học viên mới, nhưng công tác điều trị cai nghiện vẫn đạt kết quả tích cực. Trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội đã vận động và tổ chức điều trị cai nghiện cho 2.793 người, đạt hơn 68% kế hoạch cả năm, tăng 352 người so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, các cơ quan chức năng, địa phương điều trị cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 764 người; điều trị cai nghiện theo diện tự nguyện cho 1.242 người; điều trị cai nghiện theo diện bắt buộc cho 787 người...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai đồng thời các hình thức cai nghiện ma túy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.