Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giải quyết việc làm, phát triển thị trường lao động

Mai Hoa| 24/10/2022 07:34

(HNMO) - Một trong các chỉ tiêu chủ yếu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đặt ra trong năm 2022 là số lao động được giải quyết việc làm mới đạt 160.000 người, nhưng chỉ tiêu này đã sớm được hoàn thành vượt mức ngay sau 9 tháng, trong đó có vai trò tích cực của đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở là Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành đã chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới về kinh nghiệm triển khai các giải pháp giải quyết việc làm, phát triển thị trường lao động của Trung tâm.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành.

- Thưa ông, trong 9 tháng của năm 2022, thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 168.443/160.000 lao động, đạt 105,2% kế hoạch năm. Góp vào thành tích ấn tượng ấy, có vai trò tích cực của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ông có thể chia sẻ về vấn đề này?

- Số lao động được giải quyết việc làm mới của Hà Nội sẽ còn tăng, bởi ngay trong tháng 10, hàng loạt phiên giao dịch việc làm tiếp tục được tổ chức, trong đó, các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các quận, huyện Nam Từ Liêm, Ba Đình, Đông Anh đều thu hút hàng nghìn người lao động tại mỗi phiên, có sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp với số lượng chỉ tiêu tuyển dụng rất lớn.

Cũng trong tháng 10, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp với Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức “Ngày hội việc làm 2022” và “Diễn đàn sinh viên về việc làm bền vững trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0”, mời nhiều doanh nghiệp uy tín tham gia tuyển dụng, đáp ứng nhu cầu của sinh viên. Từ nay đến cuối năm, các giải pháp đồng bộ về giải quyết việc làm, phát triển thị trường lao động sẽ tiếp tục được triển khai tích cực.

Là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, để phát huy hiệu quả hoạt động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ tư vấn về việc làm, học nghề, chính sách có liên quan đến quan hệ lao động theo quy định của pháp luật lao động; giới thiệu việc làm cho người lao động; cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động. Đồng thời, thu thập, phân tích, dự báo và cung ứng thông tin về thị trường lao động; tổ chức dạy nghề theo quy định của pháp luật và tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm tư vấn, giới thiệu việc làm; tổ chức sàn giao dịch việc làm; thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định... 

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc phiên giao dịch việc làm lưu động quận Ba Đình, ngày 8-10.

- Có những số liệu thống kê nào “cụ thể hóa” cho việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của Trung tâm về giải quyết việc làm, phát triển thị trường lao động, thưa ông?

- Trong 9 tháng của năm 2022, Trung tâm đã tiếp nhận, thẩm định 52.866 trường hợp đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Sở đã ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 51.197 trường hợp, kinh phí hỗ trợ là 1.356 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề cho 1.131 người, số tiền hỗ trợ là 5,053 tỷ đồng.

Tính riêng trong tháng 9, Trung tâm tiếp nhận 7.528 hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 6.899 người, số tiền hỗ trợ là 190,1 tỷ đồng; tư vấn giải quyết việc làm cho 7.528 người; hỗ trợ học nghề cho 152 người, số tiền hỗ trợ học nghề là 676,8 triệu đồng.

Trung tâm cũng đã tổ chức 189 phiên giao dịch việc làm với 4.944 đơn vị, doanh nghiệp tham gia; tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là 90.128 người; tổng số lao động được phỏng vấn là 35.613 lao động; số lao động được tuyển dụng tại phiên là 12.832 lao động. Số liệu của tháng 10 vẫn đang tiếp tục được cập nhật với nhiều kết quả khả quan. 

- Ông có thể cho biết một số kinh nghiệm trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp?

- Thực hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan thực hiện công tác nghiên cứu, dự báo và đánh giá về tình hình thị trường lao động hiện tại, cũng như xu hướng phát triển và tác động kinh tế trong thời gian tới, xu hướng dịch chuyển ngành nghề sau dịch nhằm tìm ra những giải pháp mới phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống sàn giao dịch việc làm Hà Nội, từ đó nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ người lao động nhanh chóng tìm kiếm được việc làm phù hợp và người sử dụng lao động tìm được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của đơn vị; hỗ trợ người lao động học nghề, mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát.

Bên cạnh đó, Trung tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết việc làm, tổ chức đồng bộ hoạt động của hệ thống sàn giao dịch việc làm Hà Nội ngày một hiệu quả, chuyên nghiệp hơn, nhất là trong hoạt động cung cấp thông tin thị trường lao động tại các phiên giao dịch việc làm chuyên đề, phiên giao dịch việc làm lưu động tại các quận, huyện, đưa thông tin về nhu cầu lao động đến với từng đối tượng cụ thể, để người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, đồng thời, giúp các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng được lao động. 

Việc tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ, chuyên đề, lưu động... là một trong những giải pháp để thúc đẩy phát triển thị trường lao động, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn các quận, huyện, thị xã sau đại dịch Covid-19. Không chỉ tạo môi trường kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động, mà đây cũng chính là cơ hội tốt để lực lượng lao động trẻ tiếp cận với thị trường lao động, được cung cấp về thông tin thị trường lao động để từ đó học hỏi, trau dồi, trang bị thêm cho mình những kỹ năng và kiến thức cơ bản, khả năng thích nghi với những biến động thị trường việc làm.

- Trân trọng cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giải quyết việc làm, phát triển thị trường lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.