(HNM) - Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn dự báo kéo dài kỷ lục trong vòng 100 năm qua. Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 29-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương dành tập trung triển khai các giải pháp ứng phó.
Nước nhiễm mặn cùng với nhiễm phèn kết lại từng mảng lớn trên mặt ruộng ở phường Vĩnh Thông, Rạch Giá, Kiên Giang. Ảnh: Hữu Khoa |
Báo Hànộimới đã phỏng vấn Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi và an toàn đập (Tổng cục Thủy lợi) Nguyễn Hồng Khanh về việc triển khai nhiệm vụ quan trọng này.
- Ông có thể cho biết, nguyên nhân nào khiến tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra gay gắt ở khu vực phía Nam, nhất là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)?
- Như chúng ta biết, El Nino đã ảnh hưởng đến nước ta từ cuối năm 2014 và sẽ kéo dài đến khoảng tháng 4, 5-2016 khiến nền nhiệt độ tăng cao, mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm. Tổng lượng mưa trên lưu vực thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khoảng 20-50%. Mực nước thượng nguồn sông Mê Kông tiếp tục xuống nhanh và thấp nhất trong vòng 90 năm qua là nguyên nhân gây ra hạn hán, xâm nhập mặn ở nhiều khu vực, đặc biệt là ĐBSCL.
Hiện nay, ở các cửa sông của khu vực này độ mặn cao hơn 1,7-9g/l và xâm nhập sâu vào 10-20km. Từ cuối tháng 2-2016 trở đi, tại các khu vực cách cửa biển 25-45km, nguồn nước ngọt giảm nhiều và gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông; từ tháng 3 đến tháng 5-2016, độ mặn xâm nhập ở mức hơn 4g/l. Tháng 3 sẽ là cao điểm của khô hạn, xâm nhập mặn và tình trạng này sẽ kéo dài tới tháng 6-2016, khi đó sẽ phát triển rộng ra các khu vực khác ở phía Nam. Trong đó, một số vùng như: Gò Công (Tiền Giang), Long Phú - Tiếp Nhật (Sóc Trăng), vùng giáp ranh Sóc Trăng - Bạc Liêu (bán đảo Cà Mau) và một số huyện phía đông tỉnh Kiên Giang...
- Điều đó có nghĩa là hạn hán sẽ gây nên tình trạng thiếu nước sản xuất và sinh hoạt nghiêm trọng tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên?
- Đúng vậy! Hiện nay, một số hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở khu vực Nam Trung Bộ đang ở mức thấp, không đủ cung ứng cho cây trồng vụ đông xuân 2015-2016 nên đã xảy ra hạn hán cục bộ. Theo dự báo, mùa khô 2016 sẽ kéo dài đến tháng 8 mới kết thúc, nhiều khả năng vụ hè thu tại các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ tiếp tục thiếu nước sản xuất.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, ở khu vực này một số hồ chứa chỉ đáp ứng được nước tưới cho 20-50% diện tích cây trồng, trong đó tỉnh Ninh Thuận có tới 9 hồ không còn khả năng cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. Dự kiến, vụ hè thu tới có khoảng 40.000ha phải dừng sản xuất. Tương tự, tại các tỉnh Tây Nguyên hệ thống thủy lợi cũng chỉ cung cấp nước tưới được cho khoảng 30% diện tích canh tác nông nghiệp; diện tích dự kiến phải dừng sản xuất là 2.900ha. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt có khả năng xảy ra ở khu vực này, ảnh hưởng nặng nhất là tỉnh Đắk Lắk.
- Đối với các vùng này có bao nhiêu diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng và phải dừng sản xuất hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ?
- Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, vụ mùa 2015, diện tích bị ảnh hưởng hạn và mặn khoảng 58.000ha, chủ yếu trên đất lúa - tôm của tỉnh Kiên Giang. Đến vụ đông xuân 2015-2016, diện tích có nguy cơ ảnh hưởng của xâm nhập mặn và hạn hán tại các tỉnh ĐBSCL khoảng 339.234ha, chiếm 21,9% diện tích xuống giống lúa đông xuân toàn vùng ĐBSCL, trong đó diện tích bị ảnh hưởng nặng khoảng 104.000ha. Khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên phải dừng sản xuất gần 42.900ha... Ngoài ra, hàng chục nghìn héc ta cây công nghiệp và cây ăn quả cũng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn.
- Vậy Bộ NN&PTNT có giải pháp gì để ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn trong thời gian tới?
- Để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 4-2-2016 chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành và các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng chống hạn, xâm nhập mặn. Đối với vùng ĐBSCL, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Tổng cục Thủy lợi, Viện Khoa học thủy lợi nghiên cứu, dự báo sớm tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, thông báo kịp thời cho các địa phương để chỉ đạo vận hành công trình thủy lợi lấy nước hiệu quả. Tại khu vực Nam Trung Bộ, Bộ tiếp tục kiểm tra, rà soát, cân đối nguồn nước các hồ chứa để xây dựng kế hoạch cấp nước cho các vùng; trong đó, ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước uống cho chăn nuôi, thủy sản, tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao và các khu công nghiệp.
Trên cơ sở xác định vùng có nguy cơ bị hạn, Cục Trồng trọt hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch gieo trồng phù hợp, chuyển đổi diện tích trồng lúa vùng có nguy cơ thiếu nước sang các loại cây rau màu ít sử dụng nước. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống kênh mương ở các vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán.
- Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ ưu tiên nguồn vốn cho công trình thủy lợi nào để đối phó với tình trạng này, thưa ông?
- Giai đoạn 2016-2020, Bộ dự kiến đầu tư khoảng 19.400 tỷ đồng cho khu vực Nam Trung Bộ với các công trình thủy lợi lớn như hồ Đồng Mít (Bình Định), hồ Mỹ Lâm (Phú Yên); hồ Đồng Điền, hồ Sông Chò 1 (Khánh Hòa); hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (Ninh Thuận) và hồ Sông Lũy (Bình Thuận). Khu vực Tây Nguyên sẽ đầu tư khoảng 10.500 tỷ đồng cho các công trình thủy lợi hồ Krong Pách Thượng, hồ Krong Hnăng, hồ EaHleo 1 (Đắk Lắk); hồ JaMơ, hồ Iathul (Gia Lai)…
Đối với vùng ĐBSCL, sẽ ưu tiên nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phòng chống xâm nhập mặn. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT sẽ triển khai các dự án tạo nguồn nước, công trình phân ranh mặn ngọt cho các vùng và nghiên cứu giải pháp chuyển nước ngọt cho các khu vực bán đảo...
- Xin cảm ơn ông về nội dung trao đổi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.