(HNM) - Việc kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) của Hà Nội bước đầu đã có hiệu quả. Song, cũng còn đơn vị chưa quan tâm đúng mức tới vấn đề này, dẫn tới việc triển khai nửa vời và lúng túng trong thực hiện.
Điều này vừa được Đoàn công tác của TP (do Văn phòng UBND TP phối hợp với Sở Nội vụ) phát hiện khi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) về công tác kiểm soát TTHC.
Hiệu quả bước đầu
Giải quyết hồ sơ hành chính tại “một cửa” Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Sở NN&PTNT là đơn vị khá tiêu biểu trong công tác thực hiện việc rà soát bộ TTHC thuộc thẩm quyền. Trung tuần tháng 3-2011, Sở đã có báo cáo giải trình sự khác biệt giữa bộ TTHC đề nghị ban hành năm 2011 với các phương án đơn giản hóa tại các quyết định cũ; đồng thời tham mưu đề nghị UBND TP ban hành bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở (bao gồm 79 TTHC thuộc 4 lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi). Hiện Sở đang thực hiện các điều kiện cần thiết để đưa toàn bộ 79 thủ tục lên trang thông tin điện tử tại địa chỉ: sonnptnt.hanoi.gov.vn nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu, tra cứu của tổ chức và công dân.
Trong việc thực thi phương án đơn giản hóa TTHC theo Quyết định số 1412/QĐ-UBND ngày 30-3-2010 của UBND TP, Sở NN&PTNT đã giảm thời gian tiếp nhận và trả kết quả từ 7 ngày làm việc xuống còn 5 ngày đối với thủ tục trình phê duyệt chủ trương đầu tư; đề nghị TP hủy bỏ thủ tục thẩm định, trình phê duyệt kế hoạch đấu thầu vì trùng với thủ tục thẩm định và phê duyệt kế hoạch đấu thầu đối với những dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Sở NN&PTNT... Tương tự, sau khi có Quyết định 1412/QĐ-UBND, Sở VH-TT&DL đã thực hiện giảm thời gian giải quyết của nhiều thủ tục; thậm chí, đối với một số giấy tờ, cá nhân, tổ chức khi nộp hồ sơ chỉ phải mang theo bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính để đối chiếu thay vì phải mang theo bản chính để đối chiếu như trước đây. Tại cả Sở NN&PTNT và Sở VH-TT&DL đều từng bước tổ chức thực hiện việc công khai bộ TTHC thông qua các hình thức: niêm yết tại bộ phận "một cửa" của đơn vị và tại các đơn vị cấp dưới trực tiếp thực hiện giao dịch với công dân. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT đã giải quyết được 9.563/9.601 hồ sơ tiếp nhận (đạt 99,6%), 38 hồ sơ còn lại đang trong quá trình giải quyết.
Lúng túng trong triển khai
Trước khi làm việc với các đơn vị, UBND TP đã có Công văn số 2884/UBND-TCT30 ngày 21-4-2011 về việc kiểm tra công tác kiểm soát TTHC. Theo đó, các đơn vị phải tập trung báo cáo đầy đủ 7 nội dung liên quan đến thống kê, cập nhật, bổ sung TTHC; công khai, minh bạch bộ TTHC của đơn vị; việc giải quyết TTHC; tình hình, kết quả thực thi phương án đơn giản hóa TTHC; việc thực hiện đánh giá tác động TTHC; việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và việc quán triệt thực hiện Nghị định số 63/NĐ-CP về kiểm soát TTHC. Tuy nhiên, khi làm việc với Sở VH-TT&DL, đoàn công tác vẫn chỉ nhận được báo cáo không đạt yêu cầu (chỉ có 4/7 nội dung, mà cả 4 nội dung đều sơ sài, cơ bản chỉ liệt kê; không có giải trình rõ ràng đối với những thủ tục sửa đổi, bổ sung...). Theo ông Doãn Văn Ất, thành viên Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của TP (TCT30), thành viên đoàn kiểm tra, tất cả các giai đoạn của Đề án 30 (thống kê, rà soát, thực thi các khuyến nghị đơn giản hóa TTHC), Sở VH-TT&DL đều làm chậm; đồng thời, các bộ phận của Sở lĩnh hội các văn bản chỉ đạo của TƯ và TP chưa đúng tầm và hiểu không đồng đều. Vì vậy, nếu không có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Sở thì sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai cải cách hành chính nói chung và đơn giản TTHC nói riêng.
Ngay với Sở NN&PTNT, được đoàn kiểm tra đánh giá là có ý thức thực hiện công tác kiểm soát TTHC, cũng chưa có kết quả rõ ràng trong việc đánh giá tác động TTHC. Hiện tại, Sở đang lúng túng trong việc cân đối giữa bố trí, đầu tư cơ sở vật chất với số lượng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính tại bộ phận "một cửa". Theo ông Dương Tuấn Miên, Chánh Văn phòng Sở NN&PTNT, chỉ có 43/79 TTHC tiếp nhận và giải quyết tại Văn phòng Sở (các thủ tục còn lại do các chi cục trực thuộc tiếp nhận và giải quyết), cả 43 thủ tục này công dân đều ít có nhu cầu giao dịch. Tính đến hết tháng 4-2011, "một cửa" của Văn phòng sở mới tiếp nhận và giải quyết 38 hồ sơ (trung bình mỗi tháng giải quyết chưa đến 10 hồ sơ). Vì vậy, nếu cứ đầu tư xây dựng phòng "một cửa" theo đúng tiêu chuẩn (diện tích 40m2, bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, phân công cán bộ chuyên trách trực đều đặn) thì thực sự lãng phí. Tương tự, "một cửa" tại Chi cục Kiểm lâm (trực thuộc Sở NN&PTNT) chỉ rộng 18m2, tiếp nhận và giải quyết 2 thủ tục (từ đầu năm đến nay, mới tiếp nhận và giải quyết 24 hồ sơ). Ông Dương Tuấn Miên cũng cho biết, trong việc thực hiện kiểm soát TTHC, Sở đang băn khoăn vì số TTHC giao dịch ít, lại hầu như không có đơn thư khiếu nại, nên nếu theo yêu cầu phải thành lập một tổ chức chuyên tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về riêng các quy định hành chính thì rất có thể tổ chức này sẽ chủ yếu "ngồi không".
Ông Phùng Văn Thiệp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Tổ phó Thường trực TCT30, Trưởng đoàn công tác nhận xét, dù Sở NN&PTNT đã có ý thức, và là một trong những đơn vị có trách nhiệm trong việc thực hiện Đề án 30 nhưng việc tổ chức thực hiện CCHC nói chung chưa đạt yêu cầu; tình hình trang thiết bị, bố trí con người và áp dụng ISO vẫn chưa thực hiện được bao nhiêu. Vì vậy, lãnh đạo Sở cần quan tâm hơn nữa, đầu tư công nghệ, xây dựng phần mềm và quy trình giải quyết đối với từng thủ tục; tất cả phải đưa vào kế hoạch để có mục tiêu phấn đấu, hướng đến mục tiêu cuối cùng là tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân.
Về những vướng mắc của các đơn vị trong công tác kiểm soát TTHC, bà Nguyễn Thị Cúc Phương, cán bộ Cục Kiểm soát TTHC, cùng tham gia đoàn công tác của TP với các đơn vị khẳng định, sắp tới, Cục Kiểm soát TTHC sẽ tổ chức tập huấn cho cán bộ Phòng Kiểm soát TTHC của các tỉnh, TP để họ về tập huấn cho cán bộ các đơn vị trực thuộc. Bên cạnh đó, các đơn vị cần nghiên cứu kỹ Nghị định 63 để hiểu đúng thì mới bắt nhịp kịp thời theo đúng yêu cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.