Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển khai Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh: Vẫn bộn bề trăn trở

Đặng Thủy| 27/04/2014 07:00

(HNM) - Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Chiến lược và Quy hoạch) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.



Một hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện hai văn bản quan trọng này cũng vừa được Cục Điện ảnh tổ chức. Một lần nữa những vấn đề nóng như tình trạng rạp chiếu, đào tạo nhân lực, quy chế phối hợp giữa các ngành với điện ảnh… được xới xáo thẳng thắn.

Thận trọng đầu tư rạp chiếu

Muốn thực hiện được mục tiêu đến năm 2020 điện ảnh Việt Nam trở thành một nền điện ảnh hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, hiệu quả kinh tế - xã hội cao, theo ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam thì cần phải xác định đào tạo nguồn nhân lực là mục tiêu hàng đầu, có yếu tố quyết định. Đề cập tới kinh phí đào tạo sinh viên ngành điện ảnh hiện nay rất thấp (không đủ để làm được 2 - 3 bài tập thực hành), ông Hải cho rằng: "Cần phải nghiên cứu, rà soát lại mức đầu tư cần thiết để đào tạo ra một nguồn nhân lực điện ảnh. Điện ảnh là một ngành đặc thù nên kinh phí đào tạo không thể giống như các ngành khác".

Một cảnh trong phim “Long Thành cầm giả ca”, tác phẩm được giới phê bình nghệ thuật đánh giá cao.


Bà Lê Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VH,TT&DL) cho biết, trong 10 nhóm nhân lực được đề cập trong kế hoạch đào tạo thì có 3 nhóm ngành là nhà sản xuất, nhà phát hành phim, họa sĩ hóa trang chưa có mã ngành đào tạo. Để đáp ứng đủ chỉ tiêu kế hoạch đã đặt ra cần thêm một khoảng thời gian nhất định để hoàn tất chương trình đào tạo trong khóa tuyển sinh cuối và hoàn thiện các điều kiện để lập mã ngành đào tạo của một số chuyên ngành. Trước mắt sẽ phải tìm cách mở các chuyên ngành nằm trong các ngành đã được cấp phép đào tạo. Theo Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, phục trang, dựng phim, âm thanh là những khâu rất quan trọng trong điện ảnh. Vậy nên cần phải đưa những chuyên ngành này vào trong danh mục các chuyên ngành đào tạo của kế hoạch.

Căn cứ theo mốc thời gian thực hiện chiến lược đến năm 2020 thì chúng ta chỉ còn 6 năm để triển khai thực hiện. Nếu có đầu tư ngay cho việc đào tạo thì trong vòng vài năm tới cũng chưa chắc đã thu được kết quả như mong muốn. Theo các nhà chuyên môn cần phải đưa ra lộ trình cụ thể, phù hợp, sát sao để kế hoạch đào tạo nhanh chóng được triển khai.

Bên cạnh câu chuyện nóng cho nhân lực điện ảnh, các đại biểu cũng đặt ra vấn đề cần thận trọng, tính toán kỹ đối với lộ trình xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật điện ảnh, trong đó có xây mới, nâng cấp, cải tạo rạp chiếu phim tại các địa phương. Cụ thể: Từ 2014 đến 2016 sẽ ưu tiên dựng rạp mới tại các tỉnh thành chưa có rạp; từ 2016 đến 2020 sẽ xây dựng rạp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trên cả nước.

Theo NSND Mai Tư, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Thanh Hóa: Để xây mới 48 rạp chiếu tại các tỉnh thành, 2 trung tâm chiếu phim hiện đại tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần một nguồn kinh phí rất lớn, liệu rằng như thế có khả thi? Kinh phí đã vậy, còn hiệu quả hoạt động các rạp chiếu phim này sẽ như thế nào? Ông Nguyễn Thái Hòa, Giám đốc Hãng phim Giải Phóng cho rằng: Không có rạp chiếu sẽ khó đưa phim đến với công chúng. Xây rạp mới giao cho địa phương mà đòi hiệu quả kinh tế thì rất khó. Không nên bắt địa phương phải khai thác rạp hiệu quả bởi ngoài TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì không rạp chiếu phim địa phương nào có hiệu quả kinh tế được cả. Nhà nước dám bỏ ra chục tỷ để sản xuất phim, muốn phim đó đến với công chúng thì thậm chí không cần bán vé. Nếu bán, giá cũng chỉ đến 5.000 đồng/vé. Bà Nguyễn Thế Thanh, Giám đốc Công ty Saigon Media nhấn mạnh: Kế hoạch xây rạp cần cụ thể, chi tiết hơn rằng thành phố nào, trọng điểm dân cư cần có rạp? Phòng chiếu, số lượng phim ở mỗi địa phương cũng phải tính toán cho phù hợp.

Thực tế cho thấy, trước đây chúng ta cũng đã có những rạp chiếu phim do Nhà nước xây dựng và quản lý nhưng các rạp chiếu này dần bị xóa sổ do vận hành kém và nhường chỗ cho các rạp chiếu phim tư nhân. Theo bà Thanh, tư nhân tham gia lĩnh vực phát hành giúp thay đổi cách xem phim của người Việt. Đó là điều khiến chúng ta phải suy ngẫm về cách quản lý, nâng cao hiệu quả của các rạp chiếu.

Trách nhiệm không của riêng ai

"Điện ảnh hình như vẫn đơn độc khi nó là vấn đề của riêng Cục Điện ảnh chứ không phải là việc của quốc gia". Trăn trở của Giám đốc Công ty Saigon Media cũng là nỗi niềm của nhiều đại biểu tham dự hội nghị. Nhà biên kịch Hồng Ngát ngậm ngùi: "Từ trước đến nay chúng ta phải đi xin rất nhiều. Vấn đề bây giờ là phải làm thế nào để mọi người hiểu được rằng đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp, các ngành chứ không riêng gì của Cục hay của Hội Điện ảnh".

Nhà phê bình Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh VN cho rằng: "Để chiến lược được thực hiện cần có sự thông suốt giữa các ban, ngành trung ương và địa phương. Nên xây dựng phương thức phối hợp cụ thể giữa các cấp, các ngành".

Một số đại biểu đưa ra quan điểm: Phải quán triệt chiến lược điện ảnh để tạo được sự đồng tình, để thay đổi nhận thức của lãnh đạo ngành cũng như địa phương về điện ảnh; tham khảo và xin ý kiến rộng rãi của UBND các tỉnh, ý kiến của Hội Điện ảnh Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để tránh những trở ngại trong việc triển khai sau này… Theo NSND Bùi Đình Hạc, trong điều kiện hiện nay cũng cần hết sức lưu ý nội dung liên kết giữa ngành điện ảnh và các ngành khác, đặc biệt là truyền hình…

Có thể nói, trước khối lượng công việc đồ sộ của kế hoạch tổng thể triển khai Chiến lược và Quy hoạch, những người trong giới vẫn bộn bề âu lo, trăn trở. Để biến những mục tiêu trở thành hiện thực, để những kế hoạch không còn "nằm trên giấy" đó là cả một chặng đường dài đòi hỏi sự quyết tâm, đồng lòng của nhiều người, nhiều ngành và hơn hết chính là tâm huyết của những người trực tiếp gắn bó với nghệ thuật thứ bảy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh: Vẫn bộn bề trăn trở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.