Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển khai các giải pháp cấp bách bảo đảm cung ứng điện

Thanh Hải| 23/10/2021 15:13

(HNMO) - Ngày 23-10, Bộ Công Thương cho biết, Bộ vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình cung ứng điện; đồng thời đưa ra các giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm cung cấp điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế cũng như đời sống của nhân dân.

Lưới điện EVNNPC luôn được quan tâm đầu tư để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Theo đó, Bộ Công Thương xác định 3 nguyên tắc chính đối với việc bảo đảm cung cấp điện trong năm 2022 và các năm tiếp theo, bao gồm: Bảo đảm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, xã hội và sinh hoạt của nhân dân trong mọi tình huống; bám sát tăng trưởng nhu cầu điện, tình hình khôi phục và phát triển kinh tế để cập nhật dự báo phụ tải trong điều kiện bình thường và điều kiện bất lợi nhất của năm 2022 và các năm tiếp theo; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giữ vai trò chủ đạo, chịu trách nhiệm chính trong bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và các nhu cầu xã hội.

Căn cứ trên đánh giá về tình hình cung cấp điện trong thời gian tới, Bộ Công Thương và EVN đã đưa ra 5 giải pháp chính nhằm bảo đảm cung cấp điện. Đó là rà soát các dự án điện đang xây dựng và đưa vào vận hành trong giai đoạn 2021-2025, đưa ra các giải pháp nhằm bảo đảm tiến độ đã đề ra, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng và vận hành các công trình nguồn và lưới điện.

Bộ Công Thương dự kiến, tổng công suất nguồn mới bổ sung năm 2022 đạt 3.174 MW, bao gồm 1.930 MW nhiệt điện, 1.244 MW thủy điện.

Bộ cũng đang chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tập trung toàn lực, thúc đẩy dự án nhiệt điện Thái Bình 2 (1.200 MW) phấn đấu hòa lưới điện tổ máy số 1 vào tháng 5-2022.

Cùng với đó, Bộ sẽ giao đơn vị chuyên môn rà soát các công trình nguồn và lưới điện đã có trong quy hoạch, kế hoạch, có giải pháp để đẩy sớm tiến độ thực hiện.

Khẩn trương xây dựng các đường dây, trạm biến áp giải tỏa công suất các dự án hiện hữu, nhất là các công trình năng lượng tái tạo; tăng cường thu hút đầu tư công trình đấu nối.

Bộ Công Thương yêu cầu EVN đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết và triển khai các hợp đồng nhập khẩu điện; bảo đảm vận hành, phát điện an toàn, ổn định…

Bộ Công Thương cũng đề nghị sớm phê duyệt Quy hoạch phát triển điện quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), góp phần giảm nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Triển khai các giải pháp cấp bách bảo đảm cung ứng điện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.