(HNMO) - Ngày 13-11, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và nghị định 77 của Chính phủ về phòng chống thư rác.
Tính đến hết tháng 10-2012 cả nước có 6 nhà cung cấp dịch vụ di động với 120,7 triệu thuê bao. Các nhà mạng hoặc trực tiếp hoặc hợp tác với các DN cung cấp dịch vụ nội dung (gọi tắt là CSP) triển khai các dịch vụ tin nhắn giải trí, mà cụ thể là gửi các tin nhắn quảng cáo, còn gọi là tin "rác". Theo thống kê của Bộ, hiện có 347 CSP có ký kết với nhà mạng để cung cấp dịch vụ, trong đó có một số DN thực hiện phát tán tin nhắn lừa đảo nhằm quảng cáo, dụ dỗ dẫn dắt người sử dụng (phần lớn là những người ở vùng sâu, vùng xa, thiếu hiểu biết hoặc mới sử dụng điện thoại) nhắn tin vào đầu số của mình để thu lợi, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Cụ thể, các tin nhắn lừa đảo này chia làm 8 loại, trong đó có trường hợp: nhắn tin hướng dẫn người sử dụng tải game, wapcharging (truy cập vào website thông qua giao thức wap và bị trừ cước); nhắn tin lừa đảo tặng quà; dụ dỗ khách hàng sử dụng dịch vụ miễn phí...Tin nhắn rác bên cạnh việc gây thiệt hại về kinh tế cho người dân còn được sử dụng là công cụ để đối tượng xấu chọc ghẹo, đe dọa, khủng bố người nhận. Để hạn chế các loại tin rác, tin lừa, Bộ TT-TT đã đưa ra các biện pháp ngăn chặn. Theo đó, cơ quan quản lý chuyên ngành là Bộ TT-TT phối hợp với Văn phòng Chính phủ để sớm ban hành nghị dịnh quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; triển khai nghiêm túc các quy định về phòng ngừa và ngăn chặn tin rác; xây dựng cơ chế quản lý, cấp và thu hồi đầu số không để cho các DN viễn thông cấp đầu số cho CSP như hiện nay. Các nhà mạng phải giám sát chặt chẽ các CSP và thực hiện chấm dứt hợp đồng hợp tác với CSP phát tán tin rác, tin lừa đảo. Các CSP thực hiện lưu trữ cơ sở dữ liệu vè việc dữ liệu vè gửi tin nhắn, có thông tin về giá cước khi quảng cáo dịch vụ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.