Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển khai bán xăng E5: Thiếu cơ chế khuyến khích

Thanh Hiền| 09/12/2015 06:14

(HNM) - Các đơn vị kinh doanh xăng dầu tại 8 địa phương, trong đó có Hà Nội, phải đạt tối thiểu 50% số lượng cửa hàng kinh doanh xăng dầu có bán xăng E5.

Hiện, Hà Nội đã có 89 cửa hàng triển khai bán xăng sinh học E5, đạt tỷ lệ 60% so với yêu cầu Chính phủ và thành phố đặt ra. Tuy nhiên, sự biến động về giá, chi phí sản xuất cao, lợi nhuận thấp… là những lý do chưa khuyến khích được các đơn vị sản xuất, kinh doanh mặt hàng này.

Việc triển khai bán xăng sinh học E5 hiện còn gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ chế khuyến khích. Ảnh: Ngọc Tuấn


Theo Sở Công thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 484 cửa hàng xăng dầu, trong đó có 133 cửa hàng trực thuộc doanh nghiệp (DN) đầu mối; 27 cửa hàng xăng dầu của thương nhân phân phối; 324 cửa hàng thuộc đại lý bán lẻ xăng dầu, thương nhân nhượng quyền thương mại. Hiện, Hà Nội đã có 89 cửa hàng bán xăng sinh học E5, đạt tỷ lệ 60% so với yêu cầu Chính phủ và thành phố đặt ra.

Về nguồn phân phối xăng sinh học E5, Hà Nội hiện có một trạm phối trộn của Công ty Xăng dầu Khu vực I tại Tổng kho Xăng dầu Đức Giang đã được đưa vào hoạt động từ tháng 11-2014 với công suất 24.000m3/tháng. Tổng công ty Xăng dầu Quân đội hiện cũng triển khai xong công tác kỹ thuật lắp đặt hệ thống phối trộn và pha chế thử nghiệm xăng sinh học E5, sẽ cung cấp cho thị trường với công suất dự kiến khoảng 20.000m3/tháng. Ngoài ra, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) có trạm phối trộn tại Hải Phòng có thể cung cấp cho thị trường Hà Nội khi các DN có nhu cầu.

Báo cáo của các DN cho thấy, sản lượng tiêu thụ xăng trên địa bàn thành phố khoảng 110.000m3/tháng. Khi 50% các cửa hàng chuyển đổi sang kinh doanh xăng E5, dự kiến số lượng xăng E5 tiêu thụ trong một tháng khoảng 50.000m3/tháng. Như vậy, nguồn cung xăng E5 trên địa bàn thành phố đã cơ bản đáp ứng nhu cầu về nguồn hàng khi các cửa hàng xăng dầu tiến hành chuyển đổi kinh doanh xăng E5.

Đại diện Sở Công thương Hà Nội nhận định, việc triển khai sản xuất, phối chế, kinh doanh xăng E5 của các DN xăng dầu đầu mối trên địa bàn trong thời gian qua khá nghiêm túc. Tuy nhiên, việc tổ chức kinh doanh xăng sinh học E5 vẫn chủ yếu tập trung vào các DN đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn. Các DN là đại lý bán lẻ, thương nhân nhượng quyền bán lẻ xăng dầu chưa quyết liệt thực hiện chuyển đổi, kinh doanh xăng E5 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thành phố. Tình trạng trên chủ yếu xuất phát từ việc kinh doanh xăng E5 không đem lại hiệu quả như xăng RON92.

Theo báo cáo của nhiều DN, để kinh doanh xăng E5, DN phải chịu kinh phí phát sinh khá lớn, từ đầu tư bồn bể chứa, phối trộn đến chi phí quản lý do xăng E5 có tính chất ngậm nước và không được tồn trữ quá 30 ngày, nếu không bảo quản tốt sẽ dẫn đến hao hụt. Trong khi đó, giá xăng E5 thấp hơn xăng khoáng không nhiều, nên không khuyến khích được người tiêu dùng (NTD) sử dụng; chiết khấu cho xăng E5 chỉ bằng hoặc cao hơn một ít so với xăng khoáng, nên không hấp dẫn đại lý; những cửa hàng nhỏ chỉ có 2 bể chứa, nếu kinh doanh xăng E5 thì phải bỏ bớt đi một bể… Ngoài ra, do hoạt động tuyên truyền về xăng E5 chưa được chú trọng khiến NTD thiếu thông tin về chất lượng sản phẩm xăng mới, chưa có thói quen sử dụng…

Để xăng E5 được NTD lựa chọn sử dụng, ngoài nỗ lực của DN xăng dầu, các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng hơn đến người dân về lợi ích của việc sử dụng xăng E5; Xây dựng chính sách đồng bộ về xăng E5, từ khâu nguyên liệu, đầu tư nhà máy sản xuất cồn ethanol. Đặc biệt, cần có chính sách ưu đãi với DN sản xuất, kinh doanh; Có cơ chế giá hợp lý, rẻ hơn khoảng 1.000 đồng so với xăng thông thường thì mới đủ sức hấp dẫn NTD. Đại diện các DN cũng nhận định, đến thời điểm ngày 1-1-2016 rất khó bảo đảm 100% các cửa hàng xăng dầu bán xăng E5, vì vậy cần lộ trình dài hơi hơn trong việc bán rộng rãi xăng E5...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai bán xăng E5: Thiếu cơ chế khuyến khích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.