Với yêu cầu phát triển mới, lĩnh vực nông nghiệp đang hướng tới phát triển xanh, thông minh và bền vững. Đặc biệt, những yếu tố quan trọng này đang lan tỏa mạnh mẽ ở các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, xu hướng tiêu dùng của người dân là thường tìm đến những nông sản, hàng hóa được sản xuất theo tiêu chuẩn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt, với yêu cầu chất lượng sản phẩm ngày càng cao từ các thị trường nhập khẩu nông sản của Việt Nam, việc sản xuất nông sản xuất khẩu chủ lực như: Gạo, cà phê, rau củ, hồ tiêu, thủy sản, gỗ… ở nhiều địa phương đã áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người. Nổi bật nhất là ngành Nông nghiệp cùng các địa phương đang thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” bước đầu cho hiệu quả rõ rệt.
Việc phát triển xanh cũng đang lan tỏa đến nhiều ngành hàng nông sản khác, như: Canh tác cà phê, hồ tiêu… qua mô hình nông nghiệp tái sinh ở một số địa phương khu vực Tây Nguyên… Nhóm ngành hàng rau củ cũng triển khai sản xuất xanh từ việc tiết kiệm nước bằng phương thức tưới phun sương và tưới nhỏ giọt; tăng dinh dưỡng cho đất bằng canh tác luân phiên cây trồng… Hiệu quả từ mô hình tăng trưởng xanh trong nông nghiệp là giảm đáng kể lượng nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật và tăng thu nhập, nâng cao giá trị nông sản. Và điều quan trọng hơn là khi phát triển nông nghiệp xanh, không chỉ mang lại giá trị về mặt kinh tế mà còn có giá trị về sinh thái, môi trường, đất đai.
Xét trong bối cảnh hiện nay, phát triển nông nghiệp xanh càng cấp bách hơn khi ngành Nông nghiệp đang phải đối mặt những thách thức lớn, như: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến đổi xu hướng tiêu dùng. Thực tế này đòi hỏi cần phải có sự thay đổi, dịch chuyển để hướng tới một nền nông nghiệp xanh, sinh thái, bền vững và thông minh hơn.
Để nông nghiệp tăng trưởng xanh cần định vị rõ vai trò nguồn nhân lực trong chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, tri thức hóa nông dân cần phải là nhiệm vụ trọng tâm; cần chuyển đổi tư duy, tiếp cận mới hơn, khác hơn trong xu thế toàn cầu hóa, tri thức hóa, công nghệ hóa, xanh hóa, đó là tư duy làm nông nghiệp “ít hơn để được nhiều hơn”. Đặc biệt, trước áp lực sản xuất các sản phẩm nông nghiệp bảo đảm các tiêu chí về chất lượng của thị trường nhập khẩu nông sản ngày càng lớn, thì phát triển xanh, thông minh là đòi hỏi tất yếu. Vì thế, cùng với nhiệm vụ gia tăng giá trị, nông nghiệp Việt Nam càng phải thể hiện trách nhiệm mạnh mẽ hơn với cộng đồng quốc tế, đặc biệt về bảo tồn tài nguyên, đa dạng sinh học, giảm phát thải, thích ứng và đồng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050, giảm 30% lượng khí thải metan từ lúa gạo và ngăn chặn nạn phá rừng vào năm 2030. Vì thế, phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái đòi hỏi phải áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng số hóa trong sản xuất, kinh doanh. Việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ giúp sản phẩm nông, lâm, thủy sản của nông dân đáp ứng được đòi hỏi của thị trường về tính minh bạch trong quá trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mà còn giúp gia tăng giá trị, hiệu quả của sản phẩm nông, lâm, thủy sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.