(HNM) - Mục tiêu trước mắt của Bộ GTVT là giảm dần và sang năm 2015 sẽ chấm dứt tình trạng xe quá tải phá nát kết cấu hạ tầng giao thông.
Đoàn kiểm tra liên ngành xử lý một xe quá tải. |
Giảm trong những ngày đầu
Năm An toàn giao thông 2014 được Chính phủ và Bộ GTVT xác định với chủ đề "Siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện". Để chủ trương này sớm đi vào thực tiễn, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã trang bị 63 bộ cân lưu động cho 63 tỉnh, thành phố. Ngày 1-4, cả nước đã đồng loạt ra quân kiểm soát TTX trên toàn bộ các tuyến QL trọng điểm với mục tiêu trước mắt là giảm dần, tiến tới chấm dứt tình trạng xe quá tải, quá khổ. Các địa phương tiến hành kiểm tra bằng bộ cân đã được cấp, cân xách tay và các biện pháp khác. Bộ GTVT cũng đã cử 8 đoàn công tác kiểm tra tại các địa phương.
Với sự xuất hiện của lực lượng chức năng, tình trạng xe quá tải đã giảm đáng kể. Tại Hà Nội, trong 9 trường hợp bị kiểm tra đã có 5 trường hợp chở quá tải trên 50% và 1 trường hợp chở quá tải dưới 50%. Ông Trần Đăng Hải, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết, số xe vi phạm giảm nhiều so với các ngày trước đó. Đối với các trường hợp vi phạm, Thanh tra GTVT đã yêu cầu chủ phương tiện phải hạ tải về đúng mức quy định mới tiếp tục được lưu thông. Riêng đối với các xe vi phạm mà chủ phương tiện không thực hiện việc hạ tải, lực lượng chức năng sẽ tạm giữ phương tiện. Các trường hợp chở quá tải trọng 50% bị phạt tiền ở mức 6 triệu đồng/xe, vi phạm dưới 50% tải trọng bị phạt tiền ở mức 900.000 đồng/xe.
Theo báo cáo nhanh từ 8 đoàn kiểm tra, trên các tuyến QL đều vắng bóng xe quá tải. Tình trạng xe chở quá tải dừng đỗ trước các trạm kiểm tra để đợi vượt trạm cũng không còn diễn ra. Trên suốt chiều dài hàng trăm kilômét trên tuyến QL3 (Hà Nội - Cao Bằng), các trạm kiểm tra TTX của tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn không phát hiện xe vi phạm tải trọng. Trên QL6 (Hà Nội - Điện Biên), trạm cân tỉnh Hòa Bình kiểm tra 1 xe, kết quả đúng tải; trạm cân tỉnh Sơn La kiểm tra 5 xe, có 1 xe vi phạm. Trên QL2 (Hà Nội - Hà Giang), trạm cân tỉnh Phú Thọ kiểm tra 20 xe, không có xe vi phạm. Trên QL1 đoạn qua địa phận tỉnh Hà Nam, qua kiểm tra 10 xe có 2 xe vi phạm… Tuy nhiên, đáng chú ý nhất trong ngày đầu ra quân là trường hợp một lái xe đã không thực hiện hiệu lệnh của lực lượng thanh tra GTVT và đâm hỏng trạm cân trên đường 356 đi cảng Đình Vũ (Hải Phòng).
Nhiều địa phương chưa quyết liệt
Vi phạm đã giảm đáng kể, song một thành viên đoàn kiểm tra cũng nhận định, các lái xe vẫn đang tạm lánh để tìm biện pháp đối phó với lực lượng chức năng. Hiện nay, các xe vận tải chở hàng hóa đang tập kết tại những điểm kín đáo dọc hai bên đường chờ đợi cơ hội. Nhiều lái xe khi bị lập biên bản đã bao biện cho hành vi vi phạm là do giá xăng dầu lên cao, nếu không chở quá tải thì tiền cước chỉ vừa đủ trả tiền xăng. Một số lái xe khác không chịu hạ tải theo yêu cầu của lực lượng chức năng với lý do chở hàng tươi sống, hàng đông lạnh…
Cương quyết siết lại hoạt động vận tải hàng hóa, xử lý nghiêm các trường hợp xe quá khổ, quá tải băm nát QL, Bộ GTVT đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ chấm dứt được tình trạng này. Tuy nhiên, từ thực tế triển khai cho thấy, không phải địa phương nào cũng "nhiệt tình" với xử lý TTX. Theo thống kê của Tổng cục ĐBVN, dù đã trang bị cân lưu động cho 63 tỉnh, thành phố, nhưng đến nay mới chỉ có 35 địa phương sử dụng. Đại diện các địa phương này viện ra không ít lý do như thiếu biên chế, thiếu kinh phí hoạt động, chưa tìm được điểm phù hợp để đặt cân và hạ tải…
Là một trong những địa phương triển khai khá tích cực nhưng khi được hỏi tới đây có thực hiện 24/24h hay không, đại diện Sở GTVT Nghệ An cho biết, còn chờ xem các địa phương bên cạnh làm thế nào. Nếu các tỉnh bạn không làm mà chỉ một mình Nghệ An quyết liệt thì sức ép dồn cả lên một điểm, dễ xảy ra tắc nghẽn, nhất là trên QL1. Đồng quan điểm này, đại diện một số tỉnh lo ngại, mỗi tuyến QL đều đi qua nhiều địa phương. Nếu chỉ một tỉnh, một điểm xử lý không kiên quyết thì hiệu quả sẽ không triệt để. Thậm chí, có tỉnh đã tính đến chuyện trong vài ngày tới sẽ tạm dừng các chốt kiểm tra xe quá tải để tập trung vào những việc khác được đánh giá là quan trọng hơn. Lại có địa phương chần chừ vì sợ làm mạnh tay quá sẽ ảnh hưởng tới môi trường đầu tư do hàng hóa không luân chuyển được…
Ông Nguyễn Đức Thắng, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN nhấn mạnh: Xe quá tải hoạt động cả ngày và đêm, vì thế không thể một vài trạm cân, một vài địa phương triển khai cân là ngăn chặn được. Chỉ khi đồng loạt triển khai kiểm soát TTX tại tất cả các địa phương, đặt liên hoàn nhiều trạm kiểm soát trên tuyến nóng, kiểm soát xe quá tải liên tục 24/24h trong suốt thời gian dài mới giải quyết được tình trạng xe chở quá tải đang gây nhức nhối trong dư luận. Quan trọng nhất là lãnh đạo các địa phương phải quan tâm, chỉ đạo quyết liệt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.