(HNM) - Hôm qua (29-11), cuộc Đối thoại về Phòng chống tham nhũng lần thứ 10 đã được tổ chức tại Hà Nội. Chuẩn bị cho cuộc đối thoại này, các ngành, lĩnh vực đã mang ra
Thực chất, đây là những vấn đề không mới, thậm chí đã tồn tại trong thời gian dài song chưa được khắc phục triệt để, hoặc chưa được hệ thống một cách khoa học để tìm căn nguyên, từ đó có biện pháp "điều trị" tham nhũng, tiêu cực.
Ví dụ, trong ngành giáo dục, ba "điểm nóng" dễ nảy sinh tham nhũng được nhận diện là: dạy thêm - học thêm; tuyển sinh đầu cấp và các khoản thu trong nhà trường. Có thể nói tiêu cực trong ngành giáo dục dù được cho chỉ là... "tham nhũng vặt" nhưng tồn tại khá phổ biến và rất đa dạng. Nhiều biện pháp được đưa ra nhằm siết chặt việc dạy thêm - học thêm, tuyển sinh đầu cấp và lạm thu, trong đó hướng tới minh bạch thu chi để phụ huynh học sinh và xã hội trực tiếp giám sát. Tuy nhiên, một vấn đề đóng vai trò quyết định lại được triển khai hết sức ì ạch mà trong kỳ họp Quốc hội nào cũng được các đại biểu đề cập, đó là cải thiện đời sống cho đội ngũ giáo viên. Theo số liệu của các địa phương báo cáo Bộ GD-ĐT, hiện thu nhập bình quân của giáo viên mầm non mới đạt gần 1,2 triệu đồng/người/tháng, và 57% trong tổng số 197.000 người đang làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, tức là ngoài biên chế. Với mức sống đó, hình thức làm việc đó, liệu họ có thể yêu nghề, yên tâm công tác? Cũng về vấn đề này, các chuyên gia của Tổ chức Hướng tới Minh bạch (Towards Transparency) đánh giá, khi giáo viên không sống được bằng lương thì việc họ "chân trong, chân ngoài" hoặc dễ nảy sinh tiêu cực khi có điều kiện... cũng là điều dễ hiểu.
Ở lĩnh vực y tế, vừa qua, 5 bệnh viện lớn tại Hà Nội bắt đầu thực hiện quy tắc ứng xử nhằm nâng cao y đức của nhân viên, trong đó có nội dung "bác sĩ nói không với phong bì" như phát động của toàn ngành. Lâu nay, người tới bệnh viện dù trạng thái bệnh tình nặng hay nhẹ đều chung tâm lý phải có phong bì cho bác sĩ thì mới được… quan tâm. Như trực tiếp kiểm tra của Bộ trưởng Y tế ngày 28-11 tại các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh thì nơi nào cũng trong tình trạng quá tải. Với điều kiện như thế, chắc chắn người ta nghĩ ngay tới các hình thức "lót tay" để được ưu tiên thăm khám, điều trị... Thậm chí muốn có một chỗ nằm ở bệnh viện trong tình trạng thừa bệnh nhân, thiếu giường bệnh, người ta cũng nghĩ ngay tới khoản... "đầu tiên". Như vậy, vấn đề cơ sở hạ tầng, sự chưa hợp lý của phân cấp mạng lưới y tế (dẫn đến vượt tuyến điều trị)... chính là nguyên nhân phát sinh tiêu cực.
Hiện nay, nhiều địa phương đã, đang và sẽ tuyển dụng đội ngũ cán bộ, công chức cấp phường, xã nhằm hoàn thiện bộ máy quản lý hành chính nhà nước. Vẫn biết, lương "cứng" theo quy định của cán bộ phường, xã hiện nay là rất thấp (chỉ khoảng 1,6 tới 2,5 triệu đồng/người/tháng) và đang được nghiên cứu để điều chỉnh, nhưng nghịch lý là vẫn có rất đông người dự tuyển. Nơi này, nơi nọ còn có nguồn tin, không phải là "con ông, cháu cha", không thân quen hoặc không biết chỗ để chạy vạy, nhờ vả thì cứ... chờ đấy. Tại sao có nghịch lý đó? Chắc chắn vì nhiều người đang làm cán bộ ở cơ sở hiện nay thu nhập không chỉ có nguyên đồng lương. Ấy cũng là lý do dẫn đến tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh tiêu cực của một bộ phận cán bộ công quyền hiện nay.
Từ một số phân tích trên, để công tác phòng chống tham nhũng có hiệu quả, ngoài việc thực hiện ba mục tiêu đã đề ra trong cuộc Đối thoại lần thứ 10 (bảo đảm thực thi pháp luật, tăng cường tính minh bạch, tiếp cận thông tin, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát các lĩnh vực trọng điểm) còn cần phải nhanh chóng xóa bỏ một số điều kiện khách quan dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Đó cũng chính là cách điều trị bệnh từ gốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.