(HNM) - Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam vừa được tổ chức ngày 3-6 tại Hà Nội, vấn đề nợ xấu lại tiếp tục được bàn thảo. Đại diện Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, ông Preben Hjortlund cho rằng, việc tiến hành cải cách trong lĩnh vực kinh tế và tài chính là rất cần thiết nếu Việt Nam muốn hướng đến một mô hình phát triển kinh tế bền vững có sức cạnh tranh toàn cầu.
Giới chuyên gia khuyến nghị: Chính phủ Việt Nam cần có những hành động quyết đoán trong chương trình cải cách cơ cấu, bao gồm giải quyết nợ xấu, nâng cao trình độ quản trị trong các doanh nghiệp và ngân hàng...
Nợ xấu là căn bệnh nguy hiểm của nhiều nền kinh tế. Nợ xấu và xử lý nợ xấu từng "làm nóng" nghị trường Quốc hội và tiếp tục là vấn đề cấp bách cần giải quyết. Cùng với việc tăng cường các biện pháp quản lý nợ xấu như gia tăng trích lập dự phòng rủi ro, xác định nợ xấu… việc Chính phủ ban hành Nghị định 53/2013/NĐ-CP, thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được xem là một giải pháp hứa hẹn nhiều hy vọng (công ty này có thể sẽ giải quyết 40-70 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong năm nay). Theo các chuyên gia kinh tế, VAMC chắc chắn giúp ngân hàng giảm thiểu được nợ xấu nhưng tiến trình hành động của công ty này trong việc giúp ngân hàng dọn dẹp nợ xấu như thế nào vẫn là một câu hỏi lớn. Cũng cần phải hiểu rằng việc mua bán nợ xấu liên quan đến rất nhiều vấn đề như tư vấn, đánh giá tài sản… đòi hỏi phải có một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, công tâm và giàu kinh nghiệm.
Cũng có ý kiến cho rằng, với "hành trang" quá ít về năng lực, khả năng… VAMC khó có thể xử lý hiệu quả tình trạng nợ xấu hiện nay. Lo lắng nêu trên không phải không có cơ sở bởi một công ty xử lý nợ mang tầm quốc gia, nếu không có quyền thanh lý tài sản và không đủ khả năng điều phối phục hồi doanh nghiệp sẽ không thể giải quyết tận gốc vấn đề… Ở Mỹ, khi Hạ viện ra nghị quyết cấp vốn cho Chính phủ mua nợ xấu của một ngân hàng, họ sẽ cử người tham gia vào tái cấu trúc ngân hàng đó. Từ kinh nghiệm này, có thể đặt vấn đề nên chăng trang bị cho VAMC một quy chế đặc biệt về xử lý nợ quốc gia?
Dù hứa hẹn mang đến nhiều hy vọng nhưng còn quá sớm để nói về hiệu quả của VAMC. Thêm nữa, nếu chỉ tập trung giải quyết nợ xấu mà không chú trọng tới việc cải cách hệ thống cơ chế, chính sách, hệ thống ngân hàng, tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp làm ăn hiệu quả thì chắc chắn nợ xấu sẽ quay lại. Cổ nhân đã dạy: Trị bệnh phải trị tận gốc. Điều chúng ta mong muốn không chỉ là giải quyết số lượng nợ xấu đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng, mà quan trọng hơn là một hệ thống giải pháp nhằm giải quyết triệt để những nguyên nhân và ngăn chặn tình trạng nợ xấu tái phát trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.