Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tri ân tiên tổ, trọn nghĩa đồng bào

Hiền Sinh| 23/04/2010 08:12

Linh thiêng nguồn cội

"Người ta có tổ có tông/Như cây có cội như sông có nguồn".
Câu ca ấy đi suốt chiều dài lịch sử, lắng sâu trong tâm khảm mỗi người dân nước Việt. Bởi thế, ở đâu có người Việt, ở đó có Đền thờ các Vua Hùng. Để hôm nay mùng 10 tháng Ba âm lịch - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, không chỉ xung quanh 1.417 di tích thờ các Vua Hùng trên mọi miền đất nước, con Hồng, cháu Lạc khắp bốn biển năm châu, thành kính dâng nén hương thơm, tri ân công đức Tổ tiên, tôn vinh tinh thần đoàn kết, nghĩa đồng bào, trong đó có buổi lễ trọng Giỗ Tổ trên đất Tổ Phú Thọ.

Linh thiêng nguồn cội

Tháng Ba về, hàng triệu người mang trong mình dòng máu Lạc Hồng hướng về đất Tổ thiêng liêng dâng nén hương thơm, tỏ lòng thành kính trước anh linh các vị Vua Hùng có công dựng nước, giữ nước và vui hội Đền Hùng. Không khí lễ hội rộn ràng trên khắp nẻo đường quê Cha, đất Mẹ. Tiếng reo hò, cổ vũ cho cuộc thi bơi chải của các vận động viên 9 tỉnh vùng Đông Bắc vang trên sông Lô. Băng rôn, khẩu hiệu "Chào mừng đồng bào về với đất Tổ Hùng Vương" nhuộm đỏ thành phố Việt Trì. Và đây, giọng ca sâu lắng của các kép Xoan, đào Xoan vọng ra từ đình An Thái, Phượng Lâu, Kim Đức (thành phố Việt Trì) làm say lòng du khách gần xa.

Đông đảo du khách về hành hương tại Lễ hội Đền Hùng. Ảnh: TTXVN

Trong cái mạch văn hóa ấy, Đoàn Nghệ thuật huyện Tân Sơn tổ chức múa rùa, huyện Thanh Sơn múa trống đu… ngay trên địa bàn các huyện, mang đến cảm nhận mới mẻ, thú vị cho du khách. Ông Vũ Khả Vinh, đến từ phường Thanh Bình, TP Ninh Bình nhận xét: "Những hoạt động này không chỉ mang đến không khí linh thiêng, trang trọng, mà còn tạo ra nét khác biệt của lễ hội Đền Hùng năm nay so với những năm trước".

Điểm khác biệt rõ nhất nằm ở Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Vẫn địa danh ấy, di tích ấy, song Đền Thượng có thêm lối thông thủy phía sau bàn thờ; Đền Trung được xây dựng lại trên nền cũ, với diện tích 154m2, kết cấu khung cột, sườn mái vì kèo bằng gỗ lim theo hình chữ Nhị (trước là chữ Nhất). Từ cổng Đền Trung xuống chân núi, nhìn về phía Tây là sân trung tâm lễ hội có sức chứa vài vạn người. Nơi đây, tập trung rất nhiều sản phẩm vật chất và tinh thần đặc trưng của đồng bào cả nước. Đó là những lán trại Quan họ của người dân Kinh Bắc, là 45 gian hàng giới thiệu tiềm năng văn hóa, du lịch của 13 tỉnh, thành phố… Cách đó không xa, xung quanh hồ nước trong xanh dưới chân núi Nỏn là nơi trưng bày những tác phẩm nghệ thuật độc đáo của 32 nhà điêu khắc trong nước và quốc tế với chủ đề "Ấn tượng đất Tổ Hùng Vương".

Ông Nguyễn Tiến Khôi, Giám đốc BQL Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: Những điểm nhấn sinh động đó đã tạo nên sức hấp dẫn kỳ diệu của lễ hội Đền Hùng năm nay, do vậy, lượng khách hành hương về đất Tổ từ ngày mùng 1 đến 9 tháng Ba âm lịch lên tới gần 4 triệu lượt người, dự kiến ngày chính Giỗ 10 tháng Ba (hôm nay) sẽ có khoảng 3 triệu lượt người, vượt khoảng 2 triệu lượt người so với dự kiến của ban tổ chức.

Hà Nội cùng cả nước tri ân các Vua Hùng

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay được tổ chức với quy mô cấp quốc gia, Nhà nước và tỉnh Phú Thọ đã lo chu đáo cho lễ hội. Với tấm tình hướng về nguồn cội, Thủ đô Hà Nội có nhiều hoạt động góp cho ngày Giỗ Tổ. Gần 100 nghệ sỹ, diễn viên của Nhà hát Chèo Hà Nội và Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đã mang đến hàng chục tiết mục đặc sắc, ca ngợi đất nước, Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thành phố vì hòa bình phục vụ bà con hành hương về đất Tổ, giúp đồng bào hiểu hơn lịch sử từ thời đại Hùng Vương đến Kinh đô Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Em Nguyễn Thu Trang, học sinh lớp 11, Trường THPT Việt Trì cho biết: Lần đầu tiên được xem các trích đoạn chèo cổ, ca trù và các làn điệu dân ca đặc trưng như "Hội làng Mai", "Lả lơi xuống phố", "Ba giá chầu đồng"... em thấy ngạc nhiên và thích thú. Em hy vọng lễ hội Đền Hùng những năm sau sẽ có nhiều hoạt động văn hóa truyền thống hơn nữa".

Ngày Quốc Giỗ năm nay, Hà Nội dâng lên các Vua Hùng 18 chiếc bánh chưng do các nghệ nhân làng giò chả Uớc Lễ (xã Tân Ước - Thanh Oai) thực hiện. Nghệ nhân gói bánh chưng Nguyễn Văn Trung nói: "Hạnh phúc nhất là chúng tôi được gửi gắm tình cảm, lòng biết ơn tới các Vua Hùng có công dựng nước". Đặc biệt, "hai chiếc tháp đất nung và 5 viên gạch thời Lý do thành phố Hà Nội tặng Bảo tàng Hùng Vương ngày 14-4 (mùng 1 tháng Ba âm lịch) đã trở thành tâm điểm chú ý của hầu hết du khách khi tham quan bảo tàng". - Chị Chu Kim Nhung, thuyết minh viên Bảo tàng Hùng Vương khẳng định.

Quốc Giỗ được tổ chức trang trọng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Phó BTC Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2010 Nguyễn Thị Kim Hải:

Sáng sớm nay, đoàn hành lễ với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tỉnh, thành phố sẽ bắt đầu từ sân trung tâm lễ hội qua Nghi Môn, Đền Hạ, Đền Trung, lên Đền Thượng. Đi đầu là hai tiêu binh rước Quốc kỳ và cờ hội, hai chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam rước vòng hoa mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước", hai tiêu binh bồng súng và các thiếu nữ trong trang phục truyền thống mang hương, hoa, lễ vật… Sau đoàn 100 con Hồng, cháu Lạc cầm cờ hội là đoàn nhạc lễ và đoàn rước kiệu uy linh. Vật phẩm dâng Tổ tiên gồm ngũ quả, hương hoa, 18 chiếc bánh chưng, bánh dày gói lá dong xanh, buộc lạt hồng gắn liền với những truyền thuyết về vị Hoàng tử Lang Liêu và quan niệm Trời tròn - Đất vuông của cha ông ta. Đoàn hành lễ sẽ tề tựu trước Đền Thượng và thực hiện nghi lễ Giỗ Tổ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tri ân tiên tổ, trọn nghĩa đồng bào

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.