Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tri ân bằng cả tấm lòng

Nguyên Hoa| 27/07/2013 06:59

(HNM) - Ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, thể hiện đạo lý truyền thống

TP Hà Nội có gần 3.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trên 45.000 thương binh, gần 80.000 liệt sĩ và các đối tượng chính sách khác. Số lượng NCC với cách mạng của Hà Nội đứng thứ hai cả nước, chiếm 12,5% dân số toàn thành phố với trên 80 vạn người. Xác định chăm lo cho các đối tượng chính sách là việc làm thường xuyên nên lãnh đạo thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách để giúp đời sống của các thương binh, gia đình liệt sĩ, NCC trên địa bàn được nâng lên toàn diện.

Trung tướng Phí Quốc Tuấn, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thăm, động viên thương binh 1/4 Lưu Quang Vinh, quận Ba Đình, nhân kỷ niệm 66 năm Ngày Thương binh liệt sĩ.
Ảnh: Hoàng Hải


Đại tá Đoàn Văn Miêng, Trưởng phòng Chính sách, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết: "Những năm gần đây, chế độ, chính sách của Nhà nước có nhiều thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế, theo hướng hỗ trợ nhiều hơn cho NCC. Do đó, việc giải quyết chế độ bảo đảm đúng đối tượng, đúng chính sách đang đặt ra cho những người làm công tác chuyên môn nhiệm vụ nặng nề". Mặt khác, trong quá trình tổ chức thực hiện, nhiều người do mất giấy tờ và không có nhân chứng xác nhận nên dù chiến tranh đã chấm dứt nhiều năm nhưng vẫn còn không ít trường hợp thương binh, liệt sĩ chưa được hưởng chế độ. Chính vì vậy, ngoài sự tâm huyết của cán bộ trực tiếp giải quyết công việc còn cần cả sự tham gia của nhiều cấp, ngành, nhiều đơn vị và cá nhân để tránh tiêu cực.

Vượt qua những khó khăn, Thủ đô đã thực hiện tốt các chính sách đối với NCC bằng tất cả tình cảm, bổn phận của thế hệ hôm nay đối với những người đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc. Hà Nội hiện có gần 100.000 người đang được hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Các chế độ khác như miễn giảm học phí, bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh, tạo việc làm… cho con em thân nhân của NCC cũng được triển khai tích cực nhằm giúp đời sống các thương binh, gia đình liệt sĩ và NCC được nâng lên toàn diện.

Nhiều việc làm mang đậm nghĩa tình

Với phương châm phát huy sức mạnh của Nhà nước, nhân dân và toàn xã hội cùng chăm sóc NCC, việc giải quyết các chế độ chính sách cho các đối tượng luôn được TP Hà Nội thực hiện với phương châm "đúng - đủ - kịp thời".

Đáng chú ý là sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội là địa phương được chọn để làm điểm trong việc thực hiện Quyết định 142 của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết chế độ chính sách cho đối tượng nhập ngũ trước 30-4-1975 và tham gia quân đội dưới 20 năm công tác. Thực hiện bài bản, nhanh gọn, đúng đối tượng, toàn thành phố có 112.000 người được giải quyết chế độ với số tiền 467 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 22.608 người tham gia bảo vệ biên giới Tây nam, biên giới phía Bắc và thực hiện nhiệm vụ quốc tế sau 30-4-1975 trở lại đây được giải quyết chế độ theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ với tổng số tiền gần 100 tỷ đồng…

Cùng với việc thực hiện tốt các chế độ chính sách của Nhà nước, đều đặn hằng năm, vào các dịp lễ tết, Ngày Thương binh - Liệt sĩ, các ngành, đoàn thể, các tổ chức, cơ quan trên địa bàn Thủ đô đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách. Trung bình mỗi năm thành phố có 30.000 đối tượng chính sách được khám bệnh, tư vấn và cấp thuốc miễn phí. Từ đầu năm 2012, Hà Nội đã thực hiện chế độ điều dưỡng luân phiên 2 năm/lần cho các đối tượng NCC (TƯ quy định 5 năm/lần), chi từ ngân sách mỗi năm 40 tỷ đồng cho công tác này. Phong trào tặng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội được duy trì và phát huy với phương châm xã hội hóa đang góp phần đáng kể trong việc giúp hộ chính sách có khó khăn về nhà ở cải thiện cuộc sống. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, toàn thành phố đã xây mới 1.133 nhà tình nghĩa, sửa chữa 2.163 nhà ở cho đối tượng chính sách với tổng giá trị hơn 99 tỷ đồng; tặng 27.175 sổ tiết kiệm với số tiền gần 20 tỷ đồng. Các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng. Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" của thành phố đã huy động được hơn 500 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương đã tu sửa, nâng cấp 474 công trình ghi công liệt sĩ tổng kinh phí là hơn 300 tỷ đồng… Với kết quả này, Hà Nội đã được TƯ, Bộ LĐ,TB&XH đánh giá là một trong những tỉnh, thành phố đi đầu trong thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách cho NCC.

Công tác "Đền ơn đáp nghĩa" trên địa bàn Thủ đô đã và đang được thể hiện bằng những việc làm cụ thể và thiết thực. Những kết quả đó là tiền đề để các cấp, các ngành của TP Hà Nội tiếp tục có nhiều hơn nữa những hoạt động tri ân tới các đối tượng chính sách, qua đó giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tri ân bằng cả tấm lòng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.