(HNNN) - Trong những ngày dịch Covid-19 hoành hành, để bảo đảm an toàn cho thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, cùng với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thành phố Hà Nội, biết bao y, bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang đã ngày đêm không quản khó khăn, gian khổ trên tuyến đầu chống dịch. Từ khi tiến hành việc cách ly xã hội, nhiệm vụ của họ thêm nặng nề nhưng với sự ủng hộ của người thân và toàn xã hội, tất cả có thêm động lực quyết tâm đồng lòng chiến thắng dịch Covid-19...
Hy sinh hạnh phúc riêng tư
Đã hơn 1 tháng qua mà Đại úy Tạ Xuân Hậu, Đội Cảnh sát giao thông số 14 (Công an thành phố Hà Nội) chưa được về nhà nhìn mặt con gái mới sinh. Ngày đầy tháng con, anh vẫn trực chốt 141 và chỉ tranh thủ chúc mừng vợ con qua Facebook. Những ngày cả thành phố hưởng ứng lời kêu gọi “chống dịch như chống giặc”, công việc của tổ công tác Y24/141 do Đại úy Tạ Xuân Hậu chỉ huy càng nặng nề hơn, bất kể đang giữa ban trưa hay đêm khuya, thậm chí ngay cả khi đường phố không một bóng người. Theo người chỉ huy trẻ, đường phố vắng vẻ, người người đồng thuận đóng cửa ở yên trong nhà để chung tay phòng, chống dịch, cũng có thể là cơ hội cho tội phạm hoạt động.
Trong tháng 3 vừa qua, tổ công tác Y24/141 đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều trường hợp giấu ma túy trong khẩu trang, trong mũ bảo hiểm. Thậm chí, tội phạm có những thủ đoạn vận chuyển ma túy hoàn toàn mới như nhờ phụ nữ đi cùng, gọi xe grab vận chuyển ma túy được ngụy trang trong những gói quà... Nhưng hành tung bí hiểm đến mấy rồi cũng bị lật tẩy. Y24/141 được đánh giá là đơn vị phát hiện nhiều vụ tội phạm nhất trong 30 tổ công tác 141 đang ngày đêm hoạt động vì sự bình yên thành phố.
Kể lại chuyện riêng tư trong những ngày xa gia đình, Đại úy Tạ Xuân Hậu chia sẻ, nhớ và thương vợ con nhiều nhưng vì nhiệm vụ được giao, cũng vì các biện pháp tự cách ly phòng dịch nên các anh đành gác lại hạnh phúc riêng tư để làm tròn nhiệm vụ.
Khi thành phố quyết định thành lập 30 chốt chống dịch cơ động với thành phần gồm công an, thanh tra giao thông và lực lượng y tế tại các cửa ngõ Thủ đô và chốt giao thông trọng điểm, mặc dù con còn nhỏ nhưng Trung úy Trịnh Tuấn Anh, Đại đội 3, Trung đoàn Cảnh sát cơ động (Công an thành phố Hà Nội) vẫn xung phong lên tuyến đầu. Đã quá quen với quyết định của chồng nên vào nửa đêm một ngày đầu tháng 4, trước khi chồng lên đường ra chốt làm nhiệm vụ, chị Đặng Yến Hoa lẳng lặng gấp thêm chiếc áo len mỏng, dúi thêm vài bọc lương khô và chai nước vào ba lô của anh. Giấu những giọt nước mắt, hút theo bóng chồng khuất dần trong làn mưa, chị chỉ thầm ước nhiệm vụ sớm hoàn thành để anh lại được trở về nhà như bao lần dấn thân khác trong thời gian qua.
Ở đơn vị, Trung úy Tuấn Anh luôn xung phong đảm đương những công việc khó khăn nặng nhọc, trực tiếp đối đầu với hiểm nguy vì một lý do đơn giản là bản thân anh được đào tạo trong môi trường lực lượng đặc nhiệm. Bước vào nhiệm vụ mới - chống dịch, người sĩ quan trẻ muốn khẳng định rằng khi đã nhận nhiệm vụ thì anh và đồng đội luôn sẵn sàng cống hiến, sẵn sàng lên tuyến đầu vì sự bình yên của chính gia đình mình và cộng đồng, cho dù “giặc dịch” còn nguy hiểm gấp nhiều lần so với khi đối mặt với những tên tội phạm manh động.
Hồ Hoàn Kiếm vốn thân quen với người dân Thủ đô. Đối với Trung tá Dương Bảo Thạch, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông và trật tự, Công an quận Hoàn Kiếm, địa danh thân quen đó còn có sự gắn bó máu thịt. Những ngày chống dịch vừa qua, để bảo đảm cho khu vực hồ Hoàn Kiếm không trở thành nơi tập trung đông người, đúng như yêu cầu giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, cán bộ, chiến sĩ trong Tổ trật tự do Trung tá Thạch chỉ huy làm nhiệm vụ tại khu vực này đã phải nỗ lực gấp bội so với ngày thường.
Đều đặn mỗi ngày, ca trực của tổ bắt đầu từ sớm tinh mơ, lúc 4h30, khi đường dạo quanh hồ mới lác đác vài bóng người đi tập thể dục và chỉ kết thúc khi đã về khuya. Mỗi ngày có vài chục lượt xe của Tổ trật tự làm nhiệm vụ ở khu vực hồ Hoàn Kiếm. Họ tuần tra, rà từng góc vườn hoa, quảng trường... trong khu vực mà mình đảm nhiệm, nhắc nhở bất kỳ ai chưa tuân thủ yêu cầu giãn cách. Trung tá Dương Bảo Thạch chọn cách đi bộ hàng chục vòng hồ để thực hiện nhiệm vụ. Chính tổ công tác của Trung tá Dương Bảo Thạch là đơn vị “nổ phát súng” đầu tiên khi bàn giao hai trường hợp ra đường mà không đeo khẩu trang cho UBND phường Hàng Bạc, và cũng là đơn vị phát hiện một người nước ngoài trong tình trạng “lang thang cơ nhỡ” và đưa về Trung tâm bảo trợ xã hội.
Quân với dân một lòng
Từ nhà chị Nguyễn Thị Mến (cán bộ y tế quận Long Biên) đến chốt trực liên ngành trên quốc lộ 1A (tại cầu Phù Đổng) là quãng đường khoảng 20 cây số. Thương người phụ nữ duy nhất trong tổ công tác vất vả, nhất là trong những ngày mưa, rét, Tổ trưởng Tổ công tác, Thiếu tá Chu Văn Ngọc, Đội Cảnh sát giao thông số 5 đề xuất cắt cử anh em trong tổ đưa đón chị. Thế là hằng ngày các cán bộ, chiến sĩ thay nhau đến Trung tâm Y tế quận Long Biên, cách chốt chừng 10 cây số, để đón chị Mến. Cả tổ với hơn chục con người được bố trí bốn chiếc giường bạt dã chiến nhưng chị Mến luôn được ưu tiên “sở hữu riêng” một chiếc. Chị Mến cho biết, tình cảm chân thành của các cán bộ, chiến sĩ công an chính là nguồn động viên rất lớn để chị thêm quyết tâm sát cánh cùng các anh trên tuyến đầu chống dịch.
Đồng cảm với sự vất vả của lực lượng cắm chốt chống dịch, đã nhiều ngày qua, anh Hoàng Tuấn Phong (sinh năm 1987, ở Phú Viên, Bồ Đề, Long Biên) đều đặn dậy sớm pha hàng trăm cốc cà phê mang ra chốt trực cho cán bộ, chiến sĩ ở nơi tuyến đầu. Thương hiệu cà phê đóng chai Amino của anh đã trở nên quen thuộc, giúp các chiến sĩ thêm ấm lòng trong những đêm làm nhiệm vụ. Phong cho biết, chứng kiến hình ảnh cậu em trai nửa đêm bật dậy, tung chăn ấm để ra chốt trực, anh muốn chung tay, góp chút công sức nhằm động viên mọi người.
Sẵn có xưởng cà phê tại nhà, sáng nào anh cũng dậy sớm rang, xay, pha chế rồi đóng gói sẵn vài trăm suất cà phê, tự tay đem ra các chốt trực quanh khu vực cầu Long Biên, Vĩnh Tuy và Thanh Trì. “Cũng như nhiều người dân khác, tôi muốn góp phần cùng các chiến sĩ công an đẩy lùi dịch Coivid-19. Sức người có hạn, trước mắt tôi mang cà phê cho mọi người trong bán kính 5km kể từ nhà mình. Tôi mong muốn những cốc cà phê ngon sẽ giúp các chiến sĩ tỉnh táo để hoàn thành nhiệm vụ” - anh Phong tâm sự.
Cũng như anh Phong, Huỳnh Văn Nam (sinh năm 1985, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn và Xây dựng phòng cháy chữa cháy Tràng An) ra siêu thị mua mì tôm và nước uống mang ra chốt cho cán bộ, chiến sĩ. Khi biết sự bất tiện của việc nấu nướng tại chốt, anh Nam lập tức đổi mì tôm gói sang mì tôm cốc để các cán bộ, chiến sĩ tiện dùng. Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tiến, Đội Cảnh sát giao thông số 1, cho biết, những ngày trực ở chốt, chứng kiến tình cảm sâu nặng của người dân dành cho cán bộ, chiến sĩ, anh và đồng đội càng vững tin khi quân với dân một lòng chung tay cùng Đảng, Chính phủ thì sẽ chiến thắng bất kỳ giặc giã, dịch bệnh nào.
Trong cái rét nàng Bân, ngồi tâm sự với các cán bộ, chiến sĩ ở các tổ công tác liên ngành, nghe những câu chuyện cảm động, càng thêm vững tin vào họ, vào niềm tin chúng ta sẽ sớm thắng dịch Covid-19.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.