(HNM) - Chúng tôi lên quân khu I vào một ngày giữa đông. Trời đất một màu bàng bạc se lạnh. Vùng đất Thái Nguyên với núi non hùng vĩ ở Võ Nhai, Đồng Hỷ, lại có những khoảng đồng bằng yên ả, êm đềm ở Phổ Yên, Sông Công.
Các chiến sĩ Lữ đoàn phòng không 210 giải lao giữa buổi tập luyện ở thao trường. |
Tiếng một chiếc búa nện vào vỏ quả bom kêu đến chói tai. Kẻng báo động "địch đổ bộ bằng đường không xuống vùng Thái Nguyên". Các chiến sĩ ùa ra, lao nhanh lên các ụ pháo. Ai vào vị trí nấy, tiếng người chỉ huy át cả tiếng gầm rít của máy bay địch, tiếng kim khí va vào nhau lanh canh, các pháo thủ khẩn trương lắp đạn. Rồi khẩu pháo vươn lên trời cao, được quay theo hiệu lệnh điều khiển. Tiếng người chỉ huy thét đến khản cả giọng. Cả khẩu đội pháo bảy người ai cũng nhễ nhại mồ hôi, vì khẩn trương, dồn dập, vì các thao tác phải thật nhanh gọn, chính xác. Mục tiêu đã gần lắm, vừa căng tai nghe hiệu lệnh chỉ huy, vừa căng mắt, tập trung, sẵn sàng bùng lên trời lưới lửa tiêu diệt quân thù, bảo vệ cho thành phố bình yên...
Tan buổi tập, chúng tôi trò chuyện với các chiến sĩ Lữ đoàn 210 ngay cạnh các ụ pháo. Những khuôn mặt dễ mến, hồn hậu. Trần Quang Vinh, chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, ở vị trí pháo thủ số 3, nhà ở Gia Sàng, TP Thái Nguyên. Vinh mới nhập ngũ đầu năm 2017 nhưng đã có vẻ rắn rỏi, thuần thục các động tác kỹ thuật chiến đấu và một phong thái xởi lởi đáng mến. Anh kể, mẹ anh là nhà thơ Nguyễn Thị Sáu sinh hoạt ở Hội Văn nghệ Thái Nguyên, người vừa mới tham gia một trại sáng tác của Quân khu I về đề tài bộ đội và chiến tranh cách mạng, phục vụ đời sống tinh thần của người lính hôm nay.
Tôi không ngờ, chàng trai khuôn mặt hơi sạm vì nắng gió thao trường nhưng có một vẻ lãng mạn, hồn nhiên, yêu đời đến thế. Lính pháo binh phải mang vác nặng, vất vả đã đành nhưng còn đòi hỏi sự chính xác, cẩn trọng đến cao độ. Chỉ cần một chút sơ sẩy là có thương vong. Với vũ khí quân dụng đã là chuyện không thể đùa được và với các khẩu pháo nặng hàng tấn lại càng phải thận trọng, chú ý.
Vinh kể cho chúng tôi sự tập luyện ở thao trường. Những buổi diễn tập rất thường xuyên, ai cũng phải cố gắng, tập trung, nhưng pháo thủ số 5 mới là người vất vả nhất, còn vị trí số 3 như anh thì "cũng bình thường thôi". Anh cười rất tươi - nhưng cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng ăn khớp thì cả khẩu đội và pháo mới hoạt động tốt được.
Và giữa một chiều trung du, trong tiết trời đông bàng bạc, chàng trai thế hệ 9x đã cao hứng hát cho chúng tôi nghe bài Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây. Giọng của anh trầm ấm, mạnh mẽ lan cả xuống ven đồi, làm một cánh chim ngập ngừng bay lên. Có lẽ sự lãng mạn, yêu đời này anh lính trẻ được thừa hưởng từ phẩm chất nghệ sĩ của người mẹ. Vinh cho biết thêm, mẹ anh là một người rất đảm đang, khéo tay. Bố mẹ anh có một hiệu làm bánh giầy có tiếng trong vùng và khi ở nhà, anh thường xuyên giúp cha mẹ làm ra những chiếc bánh giầy vừa mềm, dẻo, vừa thơm ngon phục vụ người dân quanh vùng.
Cùng là chiến sĩ tiểu đoàn 1 với Trần Quang Vinh nhưng Phan Văn Hanh giống như một người anh trưởng thành hơn. Ai cũng biết cuộc sống quân ngũ là vất vả, là xa nhà nhưng cũng có những câu chuyện đầy cảm động về người lính hôm nay và dù là thời bình thì sự hy sinh, thiệt thòi của họ cũng là điều đáng kể.
Hai vợ chồng Phan Văn Hanh cùng học Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, Khoa Tiểu học. Khi người vợ trẻ mang bầu được bảy tháng thì anh nhận lệnh tòng quân. Người vợ trẻ dù rất nhớ thương cũng phải lưu luyến tiễn người chồng yêu dấu lên đường. Ai cũng cần một sự hy sinh nào đó, vì nghĩa vụ với Tổ quốc và trách nhiệm công dân nhưng những ngày ở đơn vị là khoảng thời gian lo lắng khôn nguôi. Vợ mình sẽ thế nào khi sắp đến ngày sinh nở mà không có chồng bên cạnh. Người đàn bà vào những tháng cuối sắp sinh, nặng nề, mệt mỏi, đến một tư thế nằm ngủ cũng khó khăn, chưa kể nỗi lo đứa con của mình sẽ ra sao khi vắng sự chở che, đùm bọc của người cha…
Và niềm vui đã vỡ òa cùng những giọt nước mắt nhớ thương, đúng ngày vợ sinh con, Hanh được đơn vị cho phép tranh thủ về thăm gia đình. Đón đứa con trai trong bệnh viện, lòng anh trào dâng một nỗi niềm khó tả. Tranh thủ quãng thời gian ít ỏi, anh đi mua cho vợ bát cháo ngon và nâng niu, cưng nựng đứa con được một chốc rồi buổi tối lại phải vào đơn vị.
Kỷ luật nghiêm minh đi cùng tình người và sự sẻ chia. Hanh được gửi điện thoại ở chỗ chỉ huy đơn vị và những khi tan buổi thao trường anh được phép gọi điện về nhà thăm hỏi vợ con. Đơn vị cũng ưu tiên cho anh về tranh thủ nhiều hơn. Đó là tình đồng đội đáng quý mà những ai vào lúc khó khăn, trắc trở mới thấu hiểu được sự sẻ chia, đồng cảm của những người lính…
Cũng trong Lữ đoàn 210, trong một buổi chiều nắng gió hanh hao, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Duy Long, nhân viên quân khí, một “cây sáng kiến” tiêu biểu của Lữ đoàn.
Long người Định Hóa, Thái Nguyên, là anh cả trong một gia đình năm anh em. Vì hoàn cảnh gia đình, nên ngay từ khi còn ở nhà, Long đã tự mày mò, sửa chữa những vật dụng trong nhà giúp bố mẹ. Nhập ngũ tháng 3-1993, sau khi học qua một lớp quân khí ngắn hạn, anh được biên chế làm nhân viên quân khí của tiểu đoàn 1. Với bản tính cần mẫn, khéo tay hay làm, anh đã có nhiều sáng kiến trong việc bảo dưỡng, sử dụng quân khí, mang nhiều tiện lợi trong công tác huấn luyện và bảo quản đảm bảo cho khí tài quân sự được sử dụng lâu bền.
Những sáng kiến của anh có thể kể đến “Đòn bẩy nâng hạ bánh xe pháo”. Theo chế độ bảo quản hằng tuần, sau khi bảo quản pháo xong, phải quay bánh xe pháo từ 5 đến 6 lần và dịch chuyển sang vị trí khác, một việc mất rất nhiều thời gian và sức lực, nhất là trong những ngày hè nóng nực và phải cần đến sự tham gia của 2 đến 3 người... Nghĩ đến, trăn trở về sự vất vả của anh em và công sức đồng đội, anh đã chế tác ra “Đòn bẩy nâng hạ bánh xe pháo”. Với thứ đòn bẩy tiện dụng này, giờ đây chỉ cần một người cũng có thể quay được bánh xe pháo dễ dàng, dụng cụ lại nhỏ gọn, rất dễ mang vác…
Chiều trung du một màu xám bạc, thỉnh thoảng lại có một vạt nắng xuyên qua quầng mây dầy sụ. Những chiến sĩ vẫn chăm chỉ tập luyện trên thao trường, như cây đời lúc nào cũng xanh tốt, bất chấp thời tiết hay mưa nắng cuộc đời. Đông rồi cũng qua và xuân cũng sắp về trên khắp nẻo miền trung du tha thiết này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.