(HNM) - Việc nở rộ các cơ sở y tế tư nhân thời gian qua kéo theo không ít bất cập. Thế nhưng, một số địa phương vẫn còn lúng túng trong công tác kiểm tra, quản lý.
Chính vì vậy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã yêu cầu các đơn vị xây dựng đề án kiểm tra, quy rõ trách nhiệm của cơ quan thực thi, tránh tình trạng kiểm tra chỉ để lấy số liệu... báo cáo.
Việc quản lý hoạt động hành nghề y ngoài công lập còn quá nhiều bất cập. |
Lại do lực lượng… mỏng
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Yên cho biết, tính đến ngày 25-10, trên địa bàn thành phố đã có 2.485 cơ sở hành nghề y tư nhân, trong đó có 26 bệnh viện (BV), 118 phòng khám (PK) đa khoa, 1.185 PK chuyên khoa, 456 phòng chẩn trị y học cổ truyền. Ngoài ra, còn có 4.973 cơ sở kinh doanh thuốc. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm sau cấp phép cho thấy, hành vi vi phạm của các đơn vị trên tập trung chủ yếu ở việc hành nghề khám, chữa bệnh (KCB) không đúng thời gian đăng ký; thực hiện phân loại, xử lý rác thải y tế chưa đúng quy định; bảo quản hóa chất xét nghiệm chưa đúng; bảo quản thuốc, hóa chất chưa đúng điều kiện nhiệt độ theo quy định; bảng giá dịch vụ y tế không đầy đủ; hoạt động KCB quá phạm vi chuyên môn cho phép… Cá biệt còn có một số trường hợp gây tai biến cho bệnh nhân.
Riêng trong năm 2013, Hà Nội cũng đã cấp phép cho 13 cơ sở KCB có yếu tố nước ngoài với nguồn y bác sĩ khá đa dạng, đến từ các quốc gia như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Ukraine, Nga, Canada, Nhật Bản… Người nước ngoài tham gia KCB đều có giấy phép lao động tại Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu quy định. Tuy nhiên, qua kiểm tra vẫn còn một số cơ sở tồn tại vi phạm như: Người nước ngoài tham gia KCB khi chưa được cấp phép của Bộ Y tế, Sở Y tế; thay đổi nhân sự nhưng không làm thủ tục báo cáo kịp thời với cơ quan quản lý; quảng cáo KCB không đúng với nội dung đăng ký đã được phê duyệt; không sử dụng tiếng Việt trong chỉ định điều trị...
Nói về những khó khăn trong công tác quản lý các cơ sở y tế tư nhân, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Cáp Sỹ Phong - một địa bàn "nóng" với mạng lưới y tế tư nhân dày đặc cho biết, số lượng các cơ sở y dược tư nhân phát triển rất nhanh, đáp ứng công tác KCB trên địa bàn nhưng cũng khiến công tác quản lý khó khăn hơn. Chỉ tính riêng phường Đồng Tâm trong 10 tháng năm 2014 đã xử lý trên 170 cơ sở vi phạm, phạt gần 800 triệu đồng và đóng cửa 2 PK. Cũng theo ông Cáp Sỹ Phong, rút kinh nghiệm từ vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại Thẩm mỹ viện Cát Tường, quận đã kiên quyết trong việc xử lý vi phạm, phân công trách nhiệm rõ ràng. Tuy nhiên, công tác quản lý còn nhiều tồn tại, nhất là việc thiếu cán bộ y tế. Cụ thể, Phòng y tế quận chỉ có 2 cán bộ phụ trách mảng y dược ngoài công lập, trong khi đó toàn quận có tới 600 cơ sở hành nghề tư nhân. Vì vậy, đơn vị rất mong Sở Y tế tăng cường phối hợp, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện cũng như phân định rõ trách nhiệm quản lý của ngành, địa phương. Nếu không, khi xảy ra vi phạm sẽ lúng túng trong xử lý.
Đồng tình với ý kiến trên, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Thị Lê Nhung cho biết, địa bàn quận cũng có tới 548 cơ sở y dược ngoài công lập nhưng cả Phòng y tế quận chỉ có 8 người, lại phải kiêm rất nhiều việc. Quận đã phân cấp cho cấp phường kiểm tra, giám sát các cơ sở hành nghề trên địa bàn nhưng thiếu chế tài xử phạt nên cấp phường chủ yếu làm công tác đôn đốc, nhắc nhở. Đây cũng là những khó khăn chung đối với công tác quản lý y dược tư nhân đối với hầu hết các quận, huyện của Hà Nội hiện nay.
Tránh kiểm tra cho có
Đánh giá về việc thực hiện Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2013 của UBND TP Hà Nội về tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh, sau một năm thực hiện Chỉ thị 10, công tác quản lý trong lĩnh vực này có chuyển biến rõ rệt song cũng gặp khó khăn vì số lượng cơ sở hành nghề y dược trên địa bàn quá lớn. Đơn cử như việc cấp chứng chỉ hành nghề cho các cơ sở dù đã được đơn vị thực hiện rất tích cực, ráo riết, thậm chí thành lập 2 đoàn thẩm định vẫn... không xuể. "Bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý, chúng ta cũng cần tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân. Bởi trên thực tế, những cơ sở hành nghề không phép thường không có biển hiệu hoặc biển hiệu không rõ ràng nhưng người dân vẫn cứ bước vào...", ông Nguyễn Khắc Hiền yêu cầu.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, thời gian qua, số lượng cơ sở y dược tư nhân tăng nhanh nên ngành y tế đã tham mưu cho thành phố ban hành Chỉ thị 10 về tăng cường quản lý, phân cấp, phân trách nhiệm rõ ràng. Sau hơn một năm thực hiện Chỉ thị 10, công tác quản lý cơ sở hành nghề y dược tư nhân đã được phân cấp, phân quyền rõ ràng đến tận cấp phường, xã, quận, huyện. Nhờ vậy, công tác thanh kiểm tra được tăng cường, cơ sở vi phạm cũng được xử lý nghiêm. Tuy nhiên, do số cơ sở hành nghề y ngày càng tăng, trong khi nhân lực chuyên trách lại có hạn nên còn nhiều khó khăn trong khâu quản lý. Vì vậy, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu các đơn vị cần xây dựng tổng thể vị trí việc làm trong ngành mình, tránh hiện tượng "chỗ thiếu chỗ thừa" ở các phòng y tế, trung tâm y tế quận, huyện và trạm y tế xã, phường. Ngoài ra, các đơn vị xây dựng đề án kiểm tra, quy rõ trách nhiệm của các đoàn kiểm tra, tránh tình trạng đi kiểm tra lấy số liệu để báo cáo. Đặc biệt, trong công tác thanh kiểm tra phải tăng cường tập trung vào khâu hậu kiểm bởi hiện nay việc hậu kiểm rất kém. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, việc kiểm tra phải đạt hiệu quả, khắc phục được sai phạm chứ không phải kiểm tra xong để đấy.
Thiết bị mới nhưng không đủ khả năng vận hành Trong 9 tháng năm 2014, Hà Nội đã tiến hành thanh, kiểm tra 6.883 lượt cơ sở hành nghề y dược tư nhân. Trong đó, thanh tra Sở Y tế Hà Nội kiểm tra 771 lượt, xử lý vi phạm hành chính đối với 371 cơ sở với tổng số tiền phạt 3,415 tỷ đồng. Phòng y tế quận, huyện thanh kiểm tra 6.112 lượt, phạt tiền 744 cơ sở với tổng số tiền phạt 3,578 tỷ đồng. Các đoàn thanh tra đã đình chỉ hành nghề không phép 1 cá nhân và 110 cơ sở, gồm 29 cơ sở KCB, 78 cơ sở kinh doanh thuốc, 2 cơ sở dịch vụ y tế, 1 cơ sở y học cổ truyền. Riêng về dược liệu ở phố Lãn Ông, qua kiểm tra chỉ có 20% nguồn dược liệu có giấy tờ nguồn gốc. Còn về các cơ sở thẩm mỹ, có những nơi được đầu tư mới với trang thiết bị hiện đại song cán bộ y tế không đủ trình độ vận hành nên tới đây các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát tình trạng này. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.