Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trên quê hương gái đảm thời nay

Quỳnh Dung| 21/10/2012 07:27

(HNM) - Giữa tháng 10, khi tiết trời vào thu, chúng tôi về huyện Đan Phượng, nơi xuất phát của phong trào "Phụ nữ ba đảm đang" thời chống Mỹ để chứng kiến phụ nữ nơi đây làm kinh tế thời hội nhập.

Nằm ở ven đô, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng không còn nét thuần nông xưa, mà dịch vụ, thương mại đã phát triển mạnh, đời sống người dân ngày càng sung túc. Đóng góp vào sự đổi thay đó có không ít công sức của những người phụ nữ.

Ngoài làm đồng ruộng, những người phụ nữ ở thị trấn Phùng còn làm thêm nghề dịch vụ để tăng thu nhập gia đình.

Thị trấn Phùng giờ san sát các cửa hàng dịch vụ lớn nhỏ, với đủ các mặt hàng, kinh doanh sầm uất, phần lớn đều do bàn tay của những người phụ nữ đảm đang gây dựng. Đang tập duyệt lần cuối cùng tiết mục văn nghệ chuẩn bị biểu diễn chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Phùng Nguyễn Thị Tuyết phấn khởi cho biết: Tiếp bước truyền thống của những thế hệ đi trước, chị em phụ nữ thị trấn luôn nâng cao trình độ nhận thức, khơi dậy và phát huy tiềm năng sẵn có để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bản thân. Để tạo điều kiện cho chị em có hoàn cảnh khó khăn vay vốn phát triển kinh tế, hằng năm tổ tiết kiệm phụ nữ thị trấn huy động được hơn 2 tỷ đồng cho chị em vay với lãi suất ưu đãi. Hội Phụ nữ thị trấn còn tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT huyện để 168 hội viên được vay vốn với số tiền 3,2 tỷ đồng. Nói về những người phụ nữ quê mình, chị Tuyết không giấu được vẻ tự hào: Tuy mỗi người một hoàn cảnh nhưng họ đã vượt lên tất cả, cùng nhau phát triển kinh tế, chăm lo gia đình, nuôi con cái ăn học nên người. Không chỉ làm giàu cho gia đình, nhiều chị em còn giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Chị Tuyết đưa chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất nem Phùng truyền thống Thái Cam ở phố Nguyễn Thái Học (thị trấn Phùng) của chị Bùi Thị Cam. Chị Cam, chủ cơ sở tâm sự, gia đình tôi vẫn cố lưu giữ nghề truyền thống này và tạo việc làm cho 5-7 lao động phụ để ổn định cuộc sống. Ở thị trấn Phùng còn nhiều tấm gương phụ nữ năng động trong phát triển kinh tế, tìm kiếm nghề mới đưa về quê hương. Chị Chu Thị Huyền, chủ cơ sở làm tăm hương ở phố Nguyễn Thái Học chia sẻ, trước đây các gia đình quanh năm làm ruộng vất vả mà cuộc sống vẫn khó khăn eo hẹp. Nay nhường đất cho các dự án công nghiệp, giao thông... thị trấn đã "thay da đổi thịt" với những tuyến đường giao thông kết nối hoàn chỉnh, tạo nên cảnh quan đẹp cho cả huyện. Tuy nhiên, việc thu hồi đất đã dẫn đến tình trạng thiếu công ăn việc làm, vì vậy chúng tôi phải tìm hướng làm ăn mới. Tôi cùng với mấy người bạn lặn lội tìm cách phát triển nghề tăm hương, dần dần số lượng hàng tiêu thụ ngày một nhiều. Cuộc sống gia đình không còn vất vả như xưa, không những thế còn tạo việc làm cho 40-50 lao động nữ tại địa phương.

Đan Phượng là cái nôi của phong trào "Phụ nữ ba đảm đang", dù giàu hay nghèo, người phụ nữ nơi đây đều luôn có ý thức lấy gia đình làm nền tảng để phát triển sự nghiệp; tần tảo, vượt khó để nuôi con ăn học. Gia đình chị Nguyễn Thị Nhâm thuộc diện nghèo ở thị trấn Phùng, cuộc đời của chị trải qua rất nhiều cay đắng, chồng mắc bệnh tâm thần, một mình chèo chống nuôi chồng và hai con. Vượt lên số phận, ngoài làm ruộng, chị Nhâm còn làm thêm đủ nghề để nuôi con ăn học, trở thành người có ích cho xã hội. Gia cảnh chị Nguyễn Thị Ánh ở phố Phượng Trì cũng không lấy gì khá giả, chồng mất sớm, mình chị phải nuôi 3 con, 5 sào ruộng khoán cũng chỉ đủ ăn, nhưng các con đã không phụ lòng chị: người con lớn giờ đã lập gia đình có cuộc sống ổn định, con thứ hai học nghề xong và đã đi làm, con út thì đang học lớp 12.

Dù mỗi người một hoàn cảnh, nhưng vượt lên tất cả, chị em phụ nữ thị trấn Phùng không những chăm lo các con học hành thành đạt mà còn giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Họ thực sự là những bông hoa đẹp đang tỏa ngát cho đời, góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống trung hậu, đảm đang.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trên quê hương gái đảm thời nay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.