Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trên đường đua quyền lực

Vân Khanh| 28/06/2011 06:37

(HNM) - Trước sự đổ vỡ của "tượng đài" đồng hương Dominique Strauss Kahn - nguyên Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - hẳn Bộ trưởng Tài chính Pháp, bà Christine Lagarde không ngờ sẽ trở thành ứng viên tiềm năng cho vị trí này.

Một lần nữa, sự xuất hiện của một gương mặt sáng giá từ Paris khiến niềm hy vọng về một sự "đổi ngôi" tại định chế tài chính lớn nhất thế giới trở nên mờ nhạt. Dù là cuộc chơi tay đôi, nhưng với sự ủng hộ như một tất yếu của châu Âu với bà Lagarde cho thấy người Pháp đang có lợi thế hơn hẳn đối thủ Mỹ Latinh Agustin Carstens. Ngay cả vị Thống đốc Ngân hàng trung ương Mexico này cũng phải thừa nhận đang bước vào trận đấu khi đối phương đã giành chiến thắng 5-0.

Ứng viên A.Carstens (trái) và C.Lagarde trên đường đua tới ghế Chủ tịch IMF.

Không chỉ là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ chức vụ Bộ trưởng Tài chính nhiều quyền lực nhưng cũng lắm thách thức trong G-8, khả năng lãnh đạo của bà C.Lagarde được danh chính ngôn thuận khi tạp chí uy tín Financial Times bầu chọn là Bộ trưởng Tài chính thành công nhất tại Lục địa già năm 2009. Những đóng góp của nữ Bộ trưởng Pháp trong cuộc chèo lái đưa châu Âu vượt bão nợ công được xem là một điểm cộng quan trọng vào thời điểm châu lục rất cần một người có thể đối phó với những khó khăn tài chính không nhỏ. Ngoài quyết tâm không muốn trao quyền cầm trịch tổ chức đa phương đầy quyền lực mà châu Âu từng nắm giữ kể từ khi IMF đi vào hoạt động năm 1947, cái tên C.Lagarde đang được nhắc tới tại nhiều khu vực của thế giới. Sau sự ủng hộ của Indonesia, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, cựu Bộ trưởng Tài chính Nam Phi, Trevor Manuel tuyên bố rời đường đua và quay sang hậu thuẫn cho nước Pháp viết tiếp kỷ yếu 35 năm của tổ chức 185 thành viên đã khiến bà C.Lagarde giành thêm các lá phiếu từ châu Phi.

Trong khi đó, ảnh hưởng của Thống đốc Ngân hàng trung ương Mexico xem ra vẫn chưa thể vượt khỏi khu vực Nam Mỹ. Lý lịch sáng chói của người "cầm tiền" Mexico với những mốc son như: từng nắm giữ cương vị thứ hai trong IMF, đóng vai trò then chốt đưa Mexico thoát khỏi khủng hoảng tài chính năm 1987, 1994; đồng thời là một nhà kinh tế chuyên nghiệp với 30 năm kinh nghiệm dường như vẫn chưa đủ thuyết phục những nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh như: Brazil, Argentina và Chile. Sự hậu thuẫn dè dặt ngay trên sân nhà đã tạo sự ngần ngại trước nỗ lực trở thành ông chủ không mang hộ chiếu châu Âu đầu tiên tại IMF của ứng viên 53 tuổi với các thành viên IMF. Không tìm được tiếng nói chung ngay trên "sân nhà" đang khiến giấc mơ ngôi cao của các quốc gia mới nổi tại cơ quan tiền tệ đóng trụ sở ở Washington khó thành hiện thực.

Vì thế, cho dù kết quả của chặng đua cuối cùng không được công bố trước ngày 30-6, nhưng có rất nhiều lý do chủ quan và khách quan cho thấy ý nguyện của những nền kinh tế chiếm tới hơn một nửa GDP toàn cầu có thể một lần nữa chiến thắng trong lần lựa chọn nhà lãnh đạo thứ 11 của IMF. Không ai nghi ngờ tiêu chí công khai, minh bạch và chỉ ủng hộ những ứng viên có thực tài mà IMF đề cao trong cuộc bỏ phiếu ngoài kế hoạch này. Tuy nhiên, mong muốn tái cấu trúc bộ máy lãnh đạo được cho là không còn phù hợp (do phản ánh trật tự thế giới thời hậu Thế chiến II theo thỏa thuận ngầm IMF thuộc về châu Âu và Ngân hàng Thế giới (WB) do Mỹ nắm quyền trên thực tế) không chỉ đơn giản dựa vào những lợi thế của các ứng viên. Với cách thức bỏ phiếu dựa trên sức nặng của lượng đóng góp tài chính trong định chế nhiều tiếng nói này, châu Âu và Mỹ vẫn có tới 48,3% quyền quyết định ai sẽ sở hữu chiếc ghế quyền lực. Hiện tại, Mỹ vẫn khá kín tiếng trong thể hiện quan điểm về chủ nhân mới của IMF. Song, để không ảnh hưởng đến vị trí đứng đầu WB đang do một người Mỹ đảm nhận, Washington có lẽ sẽ có sự lựa chọn làm vừa lòng những đối tác châu Âu.

Cho đến thời điểm hiện nay, tất cả đang nghiêng về khả năng đất nước Hình lục lăng sẽ lại cống hiến cho IMF vị lãnh đạo thứ 5 trong lịch sử. Thế nhưng, thế giới vẫn đang trông đợi điều bất ngờ bởi cuộc đua nào cũng chứa đựng những khúc quanh có thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trên đường đua quyền lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.