Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trên đường biên khen - chê

Hoàng Lê| 17/06/2021 14:17

(HNMCT) - Euro 2020 mới diễn ra được ít ngày, ngay lập tức ghi dấu ấn trong lòng người. Trước khi ấn tượng với pha ghi bàn từ khoảng cách hơn 40m vào lưới đối thủ của tiền đạo P. Schick trong trận đấu giữa đội tuyển Cộng hòa Séc và Scotland diễn ra vào tối 14-6, tất cả phải thổn thức với sự kiện tiền vệ sáng tạo bậc nhất của đội tuyển Đan Mạch C. Eriksen gục xuống sân cỏ sau một pha tiếp bóng trong trận đấu giữa “Những chú lính chì” với đội tuyển Phần Lan dù không có ai chạm vào anh.

Với tình huống bi thương này, gần như ngay lập tức cảm xúc trào dâng trên khán đài, sau màn hình tivi, trên mạng xã hội và các bản tin trên toàn thế giới. Cảm xúc chủ đạo là lo lắng cho tính mạng của C.Eriksen, thở phào khi thấy anh vượt qua phút giây nguy kịch. Là ngợi ca phản ứng kịp thời, chính xác của trọng tài, đội ngũ nhân viên y tế. Là tán thưởng cách ứng xử văn minh, đầy tình người của khán giả, đồng đội, đối thủ của C. Eriksen…

Nhưng, 24 giờ sau, khi cảm xúc thương yêu, ngợi ca, tôn vinh chậm lại nhường chỗ cho những sự kiện khác, trên mạng xã hội xuất hiện luồng ý kiến không hài lòng với cách thể hiện cảm xúc và sự tán thưởng nói trên của một số người. Người ta nói rằng đó là cách thể hiện “nhược tiểu”, là biểu hiện của thói “sính ngoại” và ở Việt Nam có rất nhiều tấm gương ứng xử nhân văn đã không được quan tâm, tán thưởng như thế…

Mỗi phía đều có góc tiếp cận sự kiện riêng, qua đó bày tỏ cảm xúc, đưa ra nhận định, và ít nhiều họ đều có lý. Nhưng, trên cả sự đúng - sai, từ đường biên của lời khen - tiếng chê, ta đồng ý rằng mình đã thấy được, đã có thể học được điều gì đó thực sự hữu ích từ sự không may của ngôi sao bóng đá người Đan Mạch. Đó là sự kết nối giữa người với người, tình đoàn kết trong khó khăn, cách ứng xử văn minh và kỹ năng xử lý trong tình huống khẩn cấp… Chỉ cần một trong số đó đọng lại trong trí óc, thức tỉnh và dẫn lối hành động đã là tốt lắm rồi!

Khi xem hình ảnh và thông tin về những gì người đội trưởng đội tuyển Đan Mạch đã làm để ngăn C. Eriksen không có hành động tự hại trong vô thức mà truyền thông dẫn lại, tôi tự hỏi liệu mình có được phản ứng nhanh nhạy cần thiết đó nếu ở vị trí của anh ấy hay không (?). Tôi có đủ kỹ năng sơ cứu và có sẵn sàng gánh vác trách nhiệm đó khi hành động của mình được cả thế giới nhìn vào? Khi trận đấu đó được nối lại, các tuyển thủ Phần Lan đã đứng thành hàng vỗ tay động viên các cầu thủ Đan Mạch - điều gì đã khiến các cầu thủ thể hiện được điều đó trong bối cảnh gấp gáp và tất cả còn ngẩn ngơ, nếu không phải cách ứng xử văn minh được giáo dục hằng ngày, trở thành phản xạ trong mỗi người?...

Tôi nghĩ sẽ có nhiều người thuộc về “phía tôn vinh” trong sự kiện nói trên mà không băn khoăn về cách thể hiện cảm xúc của mình. Có cần phải hướng lên khán đài có hàng vạn người để cố tìm một hình ảnh mà ống kính truyền hình không cho thấy hoặc không với tới - “những người vô tâm nào đó” đang livestream cảnh tượng C. Eriksen đang bất động trên sân - để tự an ủi rằng “không hơn gì ta”? Có gì cần ngần ngại khi học hỏi những điều hay đẹp trong cuộc sống, bất kể điều đó diễn ra ở Việt Nam hay nơi nào đó cách ta vạn dặm? Chúng ta có thành bé mọn không khi cất lời khen, thậm chí thừa nhận bạn bè đã hơn mình trong những tình huống nhất định?

Tôi nghĩ là không. Sự kiện không ai mong muốn này nhắc nhở chúng ta, cả thế giới này chứ không chỉ người Việt, hãy năng học cách để trở thành người văn minh, học kỹ năng để bảo đảm giúp chính mình, người thân của mình và người xung quanh khi ai đó gặp nạn. Học và cổ vũ sự học để xã hội hiện đại ngày càng ít hành vi kiểu như coi đám tang người nổi tiếng là cơ hội “nuôi phây”. Để các vị phụ huynh quen bao bọc, dám “chen hàng” để nâng con mình lên cao sẽ nghĩ lại về cách quan tâm tới con trẻ. Để ngày càng có nhiều người ngay từ nhỏ đã biết ứng xử nhân văn, không ngần ngại cất lời khen ngợi khi thấy điều tốt đẹp trong cuộc sống...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trên đường biên khen - chê

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.