Trong vòng 3 tháng, con trai chị Nhu (Tây Hồ, Hà Nội) phải đi khám và uống kháng sinh gần chục đợt vì được chẩn đoán là viêm phế quản, viêm họng... mà vẫn chẳng bớt ho, khó thở. Mãi gần đây, bác sĩ mới phát hiện con chị bị hen.
Chị Nhu (Lạc Long Quân, Hà Nội) cho biết, mấy tháng nay, cậu con trai 2 tuổi của chị thường xuyên ho, sổ mũi. Đưa con đi khám, lần thì bác sĩ chẩn đoán là viêm phế quản co thắt, lúc lại là viêm họng rồi viêm phổi... và cho dùng kháng sinh. Thấy con uống thuốc liên tục mà bệnh tái phát ngày càng nhanh, nhất là khi thời tiết thay đổi, chị Nhu tìm hiểu thêm trên mạng và đến một phòng khám tư vấn hen. Đúng như linh tinh người mẹ mách bảo, qua khám và nghe tiền sử bệnh, bác sĩ nói con chị bị hen phế quản và cho thuốc điều trị, dự phòng.
"Bé thường khó thở vào khoảng 10 giờ đêm trở về sáng. Bé cũng dễ bị dị ứng ngoài da. Mình đã rõ bệnh của con nên cũng đỡ hoang mang và biết cách xử lý. Từ đó tới giờ tình hình của con mình khá hơn nhiều", chị Nhu chia sẻ trên một diễn đàn của các bậc phụ huynh có con mắc hen.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương đang nghe phổi cho trẻ bị hen. Ảnh: Minh Thùy.
Cũng chung hoàn cảnh này, chị Ngà (tập thể Thành Công, Hà Nội) kể, con chị bị ho kéo dài, vào viện khám được chẩn đoán viêm họng. Nhưng uống kháng sinh gần 3 tháng không đỡ, chị đưa con đi khám ở nơi khác thì lại được phán con bị viêm phế quản. Thấy con uống thuốc chẳng ăn thua, chị lại đưa con đi khám ở bác sĩ nữa thì cũng được chẩn đoán và cho thuốc tương tự. Biết rằng số thuốc này không ăn thua, chị lại ôm con tới một phòng khám chuyên khoa hô hấp và kiên nhẫn kể cho bác sĩ nghe quá trình bệnh của con. Nghe xong, người thầy thuốc cho con chị dùng thuốc hen và chỉ 3 ngày sau bé đã hết bệnh.
"Mình nghĩ cứ để con dùng kháng sinh mãi thì bé chẳng lớn nổi. Theo mình, cảm nhận của người mẹ rất quan trọng, và khi đưa con đi khám cần phải kể cho bác sĩ nghe cụ thể hơn về bệnh tình của con. Đợt chuyển mùa năm nay bé nhà mình lại lên cơn, nhưng mình đã có kinh nghiệm nên đưa thẳng con tới bác sĩ chuyên khoa và được chẩn đoán, cho thuốc đúng luôn", chị Ngà chia sẻ.
Bác sĩ Vũ Thị Thúy Lan, trưởng khoa Hô hấp nhi, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, với biểu hiện chính là ho, bệnh hen dễ bị nhầm với các bệnh khác như viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, ho kích ứng... Thực tế, bà biết không ít trẻ hen bị chẩn đoán nhầm là mắc các bệnh về viêm nhiễm đường hô hấp rồi được chỉ định dùng kháng sinh quá nhiều, gây rối loạn đường ruột, ảnh hưởng tới khả năng đề kháng và sức khỏe lâu dài.
"Có trường hợp bé 19 tháng tuổi (Phú Thọ) phải vào viện tới 16 lần, vì được chẩn đoán hết viêm phế quản đến viêm phổi... rồi bị lạm dụng tiêm kháng sinh nhiều tới nỗi cơ thể bé suy mòn, thường xuyên rối loạn tiêu hóa... trong khi, bệnh chính của em là hen", bà kể.
Bác sĩ Lan cho biết, hen (hay còn gọi là suyễn) là tình trạng viêm mạn tính khiến đường dẫn khí trở nên nhạy cảm, khi gặp các tác nhân kích thích sẽ gây ho, khò khè, khó thở và nặng ngực, đặc biệt là ban đêm hoặc sáng sớm.
Theo bà, để biết chính xác trẻ có bị hen hay không, ngoài căn cứ vào các biểu hiện chính như: Ho theo cơn (thường vào đêm, sáng sớm), thở rít, khó thở, không kèm sốt; Hay tái phát, hen càng lần sau càng nặng; Cơn ho, hen có liên quan đến yếu tố môi trường (thay đổi thời tiết, khói, bụi...), thì còn cần quan tâm tới các yếu tố khác. Đó là: Tiền sử sản khoa (bé có bị đẻ non, có phải hô hấp tích cực không... vì những yếu tố này ảnh hưởng tới hệ hô hấp của trẻ); Tiền sử dị ứng của gia đình (ông bà, bố mẹ... có ai bị hen, dị ứng); Các yếu tố môi trường ảnh hưởng (trong nhà có người hút thuốc lá, thuốc lào, có nuôi chó, mèo không)...
"Khám cho trẻ hen không thể vài phút là xong, thời gian lắng nghe bệnh tình, tiền sử và tư vấn rất quan trọng", bác sĩ nói.
Bác sĩ cho biết, hen là bệnh mãn tính nhưng có thể kiểm soát được, điều quan trọng là làm sao để phòng bệnh cho trẻ: Loại bỏ các tác nhân có thể gây kích thích trong môi trường sống của bé như khói, bụi, chó, mèo... Không nên sử dụng các loại thuốc xịt muỗi, xịt phòng, thuốc tẩy rửa, dầu thơm, xà phòng có mùi nồng, gắt. Tránh thức ăn gây dị ứng cho trẻ. Nên trích ngừa cảm cúm và chú ý giữ ấm cho trẻ. Chọn môn thể thao thích hợp với trẻ, tránh gắng sức... Ngoài ra, cần cho trẻ đi khám định kỳ, kể cả khi cơn hen đã được kiểm soát.
"Việc dùng kháng sinh trong các trường hợp hen phải hết sức thận trọng. Các loại thuốc điều trị, dự phòng hen cũng cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ, theo đúng liều, đúng cách", bà Lan khuyến cáo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.