(HNM) - Tại hội thảo khoa học do Viện Dinh dưỡng quốc gia tổ chức ở Hà Nội cuối tuần qua, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Lê Bạch Mai cho biết, trẻ em Việt Nam thiếu nghiêm trọng vi chất dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi đều cao.
Thiếu vi chất dinh dưỡng
Theo Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Lê Bạch Mai, lượng canxi khẩu phần dưới 600mg/ngày kéo dài sẽ được coi là thiếu canxi trường diễn. Vậy mà, lượng canxi khẩu phần bình quân cho phụ nữ Việt mới đạt 510mg/ngày, chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của cơ thể. Ở trẻ em, lượng canxi khẩu phần bình quân là 256 mg/ngày, đạt 60% (ở trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi, lượng canxi khẩu phần chỉ đạt 49% nhu cầu). Lượng canxi khẩu phần như vậy sẽ ảnh hưởng nhiều đến mật độ canxi trong răng và xương của phụ nữ vì trong quá trình mang thai, để tạo xương và răng cho thai nhi phải huy động từ răng và xương của mẹ.
Trẻ em là đối tượng cần được bổ sung vi dinh dưỡng hợp lý. Ảnh: Linh Ngọc |
Kết quả điều tra trên 1.175 trẻ em mới đây cho thấy, tỷ lệ vitamin A huyết thanh thấp vẫn tồn tại ở mức 29,8%, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi. Những trẻ không được uống vitamin bổ sung trong chương trình phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng thì nguy cơ thiếu vitamin A cao hơn 15 lần so với trẻ được uống.
Người Việt Nam cũng rất thiếu vitamin D, mới chỉ đạt 8% nhu cầu cho phụ nữ và 11% cho trẻ em. Đáng chú ý, chỉ 10-20% lượng vitamin D được lấy từ thực phẩm, còn lại chủ yếu lấy từ ánh nắng mặt trời. "Khẩu phần ăn của người Việt dễ dẫn đến thiếu vi chất. Thực tế, các thực phẩm giàu vitamin D như cá béo, cá dầu, lòng đỏ trứng, gan cá không được tiêu thụ phổ biến trong hầu hết chế độ ăn của người Việt. Trong khi vi chất rất cần thiết vì nếu được bổ sung đủ thì trẻ sẽ phát triển toàn diện, ví như đủ iốt sẽ tăng 13 điểm IQ…
Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Nguyễn Thị Lâm khuyến nghị, căn cứ nhu cầu dinh dưỡng, trẻ 7-9 tuổi hằng ngày cần tới 1.825 kcl, gần tương đương với phụ nữ tuổi trưởng thành. Ngoài chất béo, chất đạm, trẻ cần được cung cấp đủ canxi, sắt, kẽm, magiê, vitamin A, vitamin D3, lysin…
Vẫn là đa dạng hóa bữa ăn
Thống kê của Viện Dinh dưỡng cho thấy, có tới 38-60% trẻ em dưới 5 tuổi bị chứng biếng ăn. Đây không phải là bệnh, mà nguyên nhân có thể do thiếu vi chất như thiếu canxi, vitamin D, sắt, kẽm… Trẻ có các biểu hiện như ngậm thức ăn trong miệng mà không chịu nuốt, bữa ăn kéo dài trên 30 phút, ăn ít và lượng thức ăn không bằng so với trẻ cùng tuổi, quấy nhiễu trong giờ ăn có thể coi là bị biếng ăn. Hậu quả là trẻ có chiều cao, cân nặng không bằng các bạn cùng tuổi; khả năng miễn dịch kém, thậm chí chỉ số phát triển trí tuệ của trẻ biếng ăn thấp hơn tới 14 điểm so với trẻ bình thường.
Như vậy, thiếu vi chất đã trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng. Trong những năm vừa qua, chương trình phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ do Viện Dinh dưỡng quốc gia tiến hành đã bổ sung vitamin A cho trẻ dưới 36 tháng tuổi (ở các vùng nghèo bổ sung đến nhóm trẻ dưới 60 tháng tuổi), bổ sung viên sắt cho phụ nữ. Riêng 18 tỉnh nghèo, khó khăn, có chương trình định kỳ tẩy giun 6 tháng/lần cho trẻ. Việt Nam cũng đã có những quy định chặt chẽ để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng như yêu cầu bột mì nhập khẩu phải được bổ sung vi chất; có những thực phẩm đặc thù như nước mắm bổ sung vi chất, bột canh iốt, muối trộn iốt… Tuy nhiên, theo Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Lê Bạch Mai, việc đa dạng bữa ăn để lấy được nhiều nguồn vi chất từ các thực phẩm khác nhau vẫn là biện pháp dễ thực hiện ở gia đình, vừa nâng tầm vóc cho trẻ, vừa cải thiện trí tuệ để trẻ đủ sức bền và năng lực tiếp cận với những đổi mới hằng ngày trong đời sống và học hành. Hằng ngày nên ăn đủ các loại thực phẩm như rau xanh (400-500gr/người/ngày), quả chín, các loại thịt đỏ giúp bổ sung chất sắt; lòng đỏ trứng, cá giúp bổ sung vitamin D; các chất béo tốt cho sức khỏe như Omega 3 và Omega 6; ăn tôm cả vỏ và uống sữa để bổ sung canxi…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.