(HNM) - Mỗi khi có đợt nghỉ dài ngày, ví dụ như dịp nghỉ Tết Nguyên đán Tân Mão sắp tới, chuyện sân chơi công cộng cho thiếu nhi lại được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là ở các đô thị lớn. Thế nhưng, việc đáp ứng nhu cầu giải trí của các em chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.
Trẻ em vui chơi trong Công viên Thống Nhất. Ảnh: Linh Tâm |
10 năm chờ thực hiện
Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2001-2010 đặt mục tiêu đến năm 2010 có 100% số xã, phường có cơ sở văn hóa, vui chơi cho trẻ em với 50% trong số đó đạt tiêu chuẩn. Nhưng sau hơn 10 năm triển khai, đến nay mục tiêu trên chưa đạt được. Hiện vẫn còn 5 tỉnh chưa có nhà thiếu nhi; số điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em tại xã, phường đạt khoảng 80%. Chỉ có 10 - 15% trẻ em ở các vùng đô thị và 5% trẻ em ở các vùng miền núi, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được tham gia vui chơi, giải trí ở các điểm công cộng.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng nói trên có nhiều, nhưng theo giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thì căn bản nhất vẫn là nhận thức về vai trò, trách nhiệm của một số bộ, ngành TƯ và chính quyền địa phương trong công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý và sử dụng các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em còn chưa đầy đủ, toàn diện; sự chỉ đạo của Chính phủ thiếu sát sao, kiên quyết; việc thanh, kiểm tra còn chưa thường xuyên…
Mặc dù từ năm 2000, Thủ tướng đã giao Bộ VH,TT&DL "trủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan và UBND các cấp xây dựng quy hoạch tổng thể và chính sách hỗ trợ, phát triển các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em để trình Thủ tướng Chính phủ". Tuy nhiên, sau một thời gian dài, bộ này vẫn thiếu chủ động trong khâu móc nối với các bộ, ngành hữu quan và các địa phương triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể và chính sách hỗ trợ phát triển các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em. Do đó, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này chưa đồng bộ, phân tán, hiệu quả thấp và chậm đổi mới, nhất là khâu quản lý quy hoạch về đất đai ở cấp tỉnh, huyện… Cùng với đó, Bộ TN&MT cũng còn chậm trễ trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dành quỹ đất để xây dựng khu vui chơi, giải trí cho trẻ em.
Hiện nay, ngoài hệ thống cung thiếu nhi, nhà thiếu nhi do TƯ Đoàn quản lý, trong đó không ít cơ sở chỉ mang tính chất "đánh trống ghi tên", cả nước có 71 trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, nhà thông tin triển lãm cấp tỉnh, 510 trung tâm văn hóa hoặc nhà văn hóa cấp huyện, 4.161 nhà văn hóa cấp xã, 38.543 nhà văn hóa làng, thôn, ấp, bản, nhưng những thiết chế văn hóa này chỉ dùng chung cho cộng đồng. Hiếm có nơi nào thực hiện quy định "dành 20% thời gian sử dụng các công trình chung để phục vụ nhu cầu phù hợp của trẻ em" mà pháp luật đã quy định. Do thiếu sự quan tâm, quy hoạch của chính quyền địa phương nên không ít các khu vui chơi, giải trí cho trẻ em được đầu tư xây dựng chưa hợp lý, xa trung tâm, điều kiện đi lại khó khăn, dẫn đến hiệu quả hoạt động thấp. Đơn cử như Trung tâm Hoạt động thanh niên, thiếu niên Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) cách trung tâm TP Việt Trì hơn chục kilômét, nằm trên một ngọn đồi heo hút, vắng vẻ, xa khu dân cư. Hay Trung tâm Hoạt động thanh niên, thiếu niên tỉnh Lâm Đồng được xây trên một quả đồi cao ngất ngưởng, dắt xe đạp lên đến nơi cũng khó và rất tốn sức... nên hiệu quả sử dụng rất thấp.
Giải bài toán thiếu sân chơi
Tại Hà Nội, những điểm vui chơi cũng đang rơi vào tình trạng 3 "quá": quá thiếu, quá cũ, quá tải. Các công viên Thống Nhất, Thủ Lệ nằm ở nơi có địa thế đẹp, gần trung tâm, dễ tổ chức các dịch vụ vui chơi giải trí cho trẻ em, song nơi đây hầu như không có trò chơi mới mà toàn những thứ đã cũ kỹ và nhàm chán. Ở khu vực Hà Tây cũ, nơi có quỹ đất dồi dào thì trẻ em vẫn thiếu sân chơi. Một phần do tiến trình "bê tông hóa", "đô thị hóa", một phần do ít trang thiết bị. Thế nên, trẻ nông thôn thường tìm đến những nơi thiếu an toàn- ngay ngã ba đầu làng, cạnh ao hồ, trên bờ đê, thậm chí là cả trên quốc lộ để chơi.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái thừa nhận: Quy hoạch 10 năm chưa làm được do không có đầu mối. Nhiệm vụ này trước do Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em đảm nhiệm; nhưng sau khi giải thể, sáp nhập, không còn Ủy ban này thì quy hoạch bị "bỏ rơi". Ông Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định, để giải bài toán "bí" sân chơi, tới đây cơ quan này sẽ lập quy hoạch tổng thể cấp TƯ và tỉnh, thành về xây dựng cơ sở văn hóa, vui chơi giải trí cho trẻ em. Nhưng trước hết, việc cần làm ngay là điều tra lại hiện trạng các khu vui chơi, xác định rõ tiêu chí, quy chuẩn nhà văn hóa cho trẻ em. Do vậy, trong năm 2011, việc quy hoạch mới có thể hoàn thành. Tuy nhiên, kế hoạch tốt đẹp trên sẽ chỉ là trên giấy nếu thiếu sự phối, kết hợp, chia sẻ của lãnh đạo các tỉnh, TP trong quá trình thực hiện. Trong lúc đợi các bộ, ngành triển khai, Tết này, trẻ em - nhất là trẻ em sinh sống tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn trong tình trạng "khát" các khu vui chơi, giải trí.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.