Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Niềm tự hào chung

Thi Thi| 10/01/2016 06:41

(HNM) - Sáng nay 10-1, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, diễn ra buổi lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) cho 479 cá nhân gồm 102 NSND (trong số này có hai nghệ sĩ được truy tặng) và 377 NSƯT (trong đó có một nghệ sĩ được truy tặng).

Những điểm mới

Lễ trao tặng danh hiệu không nằm ngoài mục đích nhằm tôn vinh và ghi nhận những đóng góp, cống hiến xuất sắc của các nghệ sĩ trên các lĩnh vực: Phát thanh - truyền hình, Điện ảnh, Múa, Âm nhạc, Sân khấu. Trong số 102 nghệ sĩ được phong tặng NSND lần này có 2 cố nghệ sĩ được truy tặng danh hiệu là NSƯT La Thị Cẩm Vân, biên đạo múa ở Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế và NSƯT Nguyễn Anh Dũng, diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam. Bên cạnh đó, cố diễn viên Nguyễn Văn Đàn (Huệ Đàn), Nhà hát Kịch nói Quân đội, Bộ Quốc phòng cũng được truy tặng danh hiệu NSƯT.

Đáng chú ý, đợt xét tặng lần thứ 8 này cũng là đợt đầu tiên áp dụng Nghị định 89 "Quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT" (NĐ 89/2014/NĐ-CP) được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 29-9-2014. Trong đó, có thể kể đến những điểm mới là bên cạnh điều kiện Giải Vàng thì các Giải Bạc cũng được tính theo mức quy đổi nhằm tạo điều kiện cho nhiều nghệ sĩ trẻ đủ điều kiện xét tặng danh hiệu NSƯT; thời gian yêu cầu từ NSƯT để xét lên NSND cũng được thay bằng điều kiện chung: "Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 20 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên".

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chỉ đạo một cảnh quay tại hiện trường. Ảnh: Việt Văn


Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, người được trao tặng danh hiệu NSND dịp này bày tỏ: Có ý kiến cho là không nên lệ thuộc vào giải thưởng để xét danh hiệu mà chỉ cần sự ghi nhận của nhân dân. Nhưng cũng có cái khó nếu không có yếu tố định lượng như giải thưởng; còn đối với những trường hợp đặc biệt thì ta đã và cũng tiếp tục nên xét đặc cách. Tôi cũng được biết nhiều nghệ sĩ đã được xét đặc cách khi các nghệ sĩ có những đóng góp đặc biệt về nghề nghiệp.

Trường hợp của tôi lẽ ra được xét NSND từ lần trước song vì… thiếu 3 tháng mới đủ thời gian nên phải lùi lại. Một số nghệ sĩ khác cũng từng bị lỡ NSND vì thiếu vài tháng. Vì thế, lần này việc bỏ quy định về yếu tố thời gian đối với các trường hợp từ NSƯT lên NSND cũng là một thay đổi đáng ghi nhận.

Để danh hiệu tiếp tục là động lực sáng tạo

Nghệ sĩ Trung Hiếu, một trong những gương mặt nghệ sĩ trẻ nhận danh hiệu NSND đợt trao tặng này chia sẻ với Hànộimới: Nhận danh hiệu NSND bên cạnh niềm tự hào, các nghệ sĩ cũng đều nhận thức rõ trách nhiệm phải tiếp tục lao động không ngừng để xứng đáng với sự ghi nhận của đất nước, nhân dân. Đó cũng là trách nhiệm phải đồng hành, dìu dắt, tiếp lửa cho các thế hệ nghệ sĩ đi sau. Về những quy định xét tặng giải thưởng, NSND Trung Hiếu cho rằng cần tôn trọng các quy định, tôn trọng pháp luật. Tất nhiên, những điều chưa phù hợp, hoặc còn hạn chế thì phải tiếp tục điều chỉnh, bổ sung. Thực tế, nhiều thế hệ nghệ sĩ đi trước cũng phải chịu thiệt thòi do những điều kiện khó khăn của đất nước, không phải lúc nào cũng đủ các giải thưởng, huy chương như quy định. Đối với thế hệ hôm nay, nhiều nghệ sĩ trẻ đã được quan tâm, ghi nhận, xét tặng.

Dịp này, nhà quay phim Lý Thái Dũng, một trong số những nghệ sĩ điện ảnh nhận danh hiệu NSND cũng nêu rõ quan điểm: Việc xét tặng danh hiệu nói chung cần những quy định cụ thể, chứ không thể chỉ cảm tính. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần sự linh hoạt. Ví như đạo diễn trẻ Bùi Tuấn Dũng dịp này chưa được xét NSƯT vì thiếu vài tháng. Tất nhiên, chờ đợi đợt sau cũng không có gì khó, nhưng vấn đề ở chỗ, từ NSƯT lên NSND đòi hỏi phải có hai giải Vàng quốc gia. Trong thời gian chờ đợi rất có thể là thời gian sáng tạo sung sức đối với nhiều nghệ sĩ. Chỉ vì chưa được là NSƯT nên các giải thưởng này sẽ không được tính trong điều kiện xét lên NSND. Như vậy có thể thiệt thòi cho anh em.

Đại diện cho thế hệ nghệ sĩ đi trước, đạo diễn NSND Lê Hồng Chương lại cảm thấy niềm tự hào chung khi nhìn thấy một lớp những nghệ sĩ cùng thế hệ với mình cũng được vinh danh trong lần trao tặng này. Ông cũng nhấn mạnh, đáng mừng hơn là có cả sự xuất hiện của không ít nghệ sĩ trẻ có những đóng góp thực sự cho nghệ thuật nước nhà. NSND Lê Hồng Chương mong muốn tới đây ngay từ cơ sở nên chăng phải có các hội đồng chủ động theo dõi hoạt động sáng tạo của nghệ sĩ để kịp thời giúp anh em kê khai, hoàn thiện hồ sơ. Đây vừa là trách nhiệm nhưng cũng là cách thể hiện tinh thần trọng thị đối với nghệ sĩ trong công tác xét tặng những danh hiệu ý nghĩa này.

Cuối cùng, có lẽ đúng như đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần nói: Ngoài niềm vui, niềm tự hào cũng phải nhìn thẳng vào thực tế của đời sống nghệ thuật để thấy rõ danh hiệu nếu chỉ là danh hiệu thôi thì chưa đủ. Đối với các thành phố lớn nơi người nghệ sĩ hoạt động tự do trong môi trường nghệ thuật đa dạng thì thương hiệu nghề nghiệp của anh mới quyết định mức thù lao anh được trả. Vậy nên, dù thế nào việc tranh cãi về danh hiệu trong giới là một điều thực sự rất đáng buồn. Và người nghệ sĩ khi lao động sáng tạo thì trước hết chỉ nghĩ đến sự lao động, sáng tạo và cống hiến mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Niềm tự hào chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.