(HNM) - Nội dung thảo luận tại phiên họp thứ 11 UB Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi) có vấn đề về bổ sung các quy định cụ thể, điều kiện hoạt động, quyền hạn, trách nhiệm, cơ cấu tổ chức nhân sự cũng như quy trình tổ chức và biên tập bản thảo của cơ sở liên kết xuất bản.
Cuộc trò chuyện với đại diện của một đơn vị liên kết xuất bản ở Hà Nội - ông Trịnh Minh Tuấn (Giám đốc Công ty cổ phần Sách và Truyền thông Quảng Văn - Quảng Văn Books) với Hànộimới sẽ thêm ý kiến về vấn đề này.
Luật Xuất bản sửa đổi tạo hành lang pháp lý cho việc kiểm soátngành xuất bản chặt chẽ hơn. Ảnh: Ngọc Thạch
- Điều 21 dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi) quy định, hình thức liên kết của nhà xuất bản (NXB) với các đối tác bao gồm: khai thác bản thảo, biên tập bản thảo, in xuất bản phẩm và phát hành xuất bản phẩm. Ông nghĩ gì về điều này?
- Việc cho phép đối tác liên kết được "biên tập bản thảo" chỉ là sự "công nhận" thực tế đã diễn ra nhiều năm nay. Ở các công ty sách tư nhân có uy tín trên thị trường như Nhã Nam, Alphabooks… họ đều có Ban biên tập không thua kém gì các NXB với số lượng biên tập viên (BTV) từ 5 đến 30 người. Ban biên tập lại chia ra từng bộ phận nhỏ: như bộ phận phụ trách sách dịch tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Việt... Những BTV sách dịch, ngoài khả năng tiếng Việt thì đều phải sử dụng rất tốt một ngoại ngữ để đọc đối chiếu giữa bản gốc và bản dịch. Thậm chí không ít BTV đồng thời là dịch giả của nhiều cuốn sách. Giám đốc các công ty sách trên cũng từng khẳng định, bản thảo liên kết hoàn toàn do BTV công ty sách biên tập, BTV NXB chỉ "đọc duyệt" xem có vi phạm nội dung điều 10 Luật Xuất bản hiện hành hay không? Từ thực tế trên tôi khẳng định, việc cho phép đối tác liên kết được tham gia biên tập bản thảo là hoàn toàn phù hợp với tình hình. Và việc quy định, mỗi một công ty sách phải có ít nhất 5 biên tập có chứng chỉ biên tập là cần thiết để nâng cao chất lượng sách.
- Thật ra, Luật Xuất bản đã quy định NXB phải chịu trách nhiệm cuối cùng trước xuất bản phẩm. Nhưng ngay cả khi đó thì vẫn có nhiều cuốn sách sai sót, phạm luật do NXB và đối tác thực hiện. Trao thêm quyền biên tập cho đối tác, có ý kiến lo ngại rằng vẫn chưa đủ để cải thiện tình hình?
- Điều cần làm rõ ở đây là xác định trách nhiệm trước pháp luật của đối tác liên kết khi họ được tham gia biên tập. Sẽ là không công bằng cho các nhà NXB khi bản thảo do đối tác biên tập còn trách nhiệm trước pháp luật thì bản thân NXB lại phải gánh chịu.
- Ông từng là BTV của một NXB ở Hà Nội, hiện lại là người đứng đầu một đơn vị đối tác của các NXB. Một cách khách quan, ông đánh giá đội ngũ BTV nói chung như thế nào?
- Đây là một vấn đề không khó để nhận định vì hầu như những người làm nghề cũng đều tự nhận thấy. Thực tế là những năm gần đây, tình trạng phổ biến ở nhiều NXB là sự khủng hoảng thế hệ của đội ngũ biên tập. Thế hệ những BTV kỳ cựu vơi dần do người mất, người nghỉ hưu. Đội ngũ BTV trẻ ít có cơ hội được "truyền nghề" trực tiếp từ những bậc cha chú. Chưa kể sự hoạt động thiếu hiệu quả của không ít NXB, chỉ sống dựa vào liên kết, bán giấy phép đã khiến các BTV trẻ phải lao ra thị trường, chào mời các nhà sách "mua" giấy phép, tổ chức bản thảo, bán bản thảo cho nhà sách. Đáng lẽ công việc của các BTV trẻ là học hỏi, trau dồi kinh nghiệm thì họ lại phải "bươn trải" ngoài thị trường để "làm thuê" cho các nhà sách đặng có đủ tiền để hoàn thành mức khoán hiện nay. Sự việc BTV một NXB bán bản thảo cho công ty sách Đinh Tị mà không có bản quyền dẫn đến tranh chấp giữa Đông A và Đinh Tị chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
- Dự thảo sửa đổi Luật Xuất bản có đề cập tới việc BTV phải có chứng chỉ hành nghề do Bộ TT-TT cấp. Theo ông, đây có phải là việc làm vừa khẳng định vai trò BTV, vừa siết chặt quản lý về công tác quan trọng này?
- Tôi nghĩ đây là một việc làm cần thiết. Biên tập là một nghề khá đặc thù. Để có thể đứng tên biên tập ở trang xi nhê một cuốn sách, một BTV phải trải qua 1-2 năm làm trợ lý biên tập. Trong thời gian đó, ngoài việc nắm vững Luật Xuất bản, các văn bản liên quan đến bản quyền, quyền tác giả, có hiểu biết về thiết kế, in ấn thì việc BTV phải mở rộng vốn hiểu biết, lựa chọn cho mình một hướng đi như trở thành BTV sách dịch hay sách quốc văn, sách khảo cứu hoặc sách thiếu nhi… là một quy trình bắt buộc. Đáng tiếc quy trình này đang bị các NXB bỏ quên.
- Việc luật hóa những quy định về BTV của các công ty làm sách - đối tác liên kết của các NXB, đang được xem xét. Còn thực tế, các đối tác xuất bản đang lựa chọn và sử dụng đội ngũ BTV của mình như thế nào?
- Việc tuyển dụng BTV cũng là một việc không dễ đối với các công ty sách, các NXB. Sinh viên ngành xuất bản tốt nghiệp khoa Xuất bản Đại học Văn hóa, Học viện Báo chí và tuyên truyền có kỹ năng nhưng phông kiến thức xã hội, ngoại ngữ hạn chế nên ít được các công ty sách tuyển dụng. Đa phần BTV ở các NXB và công ty sách hiện nay tốt nghiệp khoa Văn, khoa Sử… Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Trường Đại học Sư phạm I hoặc tốt nghiệp cử nhân tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung… ở khối các trường ngoại ngữ. Thực tế công việc biên tập đang đòi hỏi công tác đào tạo BTV phải có sự thay đổi để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.
- Xin cảm ơn anh!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.