(HNM) - Sau khi quyền định giá bán lẻ xăng dầu được trao cho doanh nghiệp (DN), các đầu mối kinh doanh mặt hàng này đã 3 lần tăng giá bán lẻ với thời gian cách nhau khoảng 10 ngày.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nước ta chưa có thị trường kinh doanh xăng dầu cạnh tranh, việc trao quyền định giá cho DN sẽ đẩy phần thiệt thòi về phía người tiêu dùng (NTD), trong khi đó trách nhiệm của cơ quan quản lý lại mờ nhạt. Việc xả quỹ bình ổn giá, giảm thuế nhập khẩu xăng dầu được coi là cần thiết nhằm giữ ổn định giá xăng dầu và góp phần kích thích sức mua hàng hóa tiêu dùng trong bối cảnh nền kinh tế đang điêu đứng vì lượng hàng tồn kho quá lớn.
Xây dựng thị trường xăng dầu cạnh tranh là yêu cầu bức thiết. Ảnh: Hồ Như |
Chưa hình thành thị trường xăng dầu cạnh tranh
Sau khi Liên bộ Tài chính - Công thương trao quyền định giá xăng dầu cho DN, giá bán lẻ xăng dầu đã liên tiếp được điều chỉnh 3 lần vào các ngày 20-7, 1-8 và 13-8. Việc giá xăng dầu điều chỉnh liên tục với mức tăng cao đã khiến NTD đặt ra câu hỏi, liệu mặt hàng thiết yếu này có được quản lý chặt chẽ, minh bạch, bảo đảm quyền lợi cho cả Nhà nước - DN và NTD?
Nhận xét về 3 đợt điều chỉnh giá liên tiếp của các DN đầu mối xăng dầu, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc trao quyền định giá cho DN trong bối cảnh hiện tại sẽ đẩy phần thiệt thòi về phía NTD. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích, hai mặt hàng được Nhà nước cho độc quyền về giá hiện nay là điện và xăng dầu, nếu áp dụng theo cơ chế thị trường và trao quyền định giá cho DN là sai lầm, bởi thị trường điện và xăng dầu cạnh tranh ở nước ta chưa hình thành. Đối với điện, có 1 DN làm chủ, còn xăng dầu có 11 DN tham gia kinh doanh nhưng lại có 1 DN chiếm tới 63% thị phần. Thực tế này cho thấy, cơ quan quản lý giá đang đùn đẩy trách nhiệm thay vì phải trả lời trước người dân về việc vì sao giá xăng dầu tăng cao. Dưới một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền, thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính - tiền tệ (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) lại cho rằng, chu kỳ điều chỉnh giá xăng trong 10 ngày không phải quá nhanh bởi các nước trên thế giới còn điều chỉnh giá xăng theo ngày. Nhưng điều này chỉ được phép xảy ra khi thực sự có thị trường xăng dầu cạnh tranh. Khi đó, các cây xăng sẽ cạnh tranh với nhau để đưa ra mức giá tốt nhất nhằm thu hút khách hàng. Việc giao quyền định giá cho DN kinh doanh xăng dầu là mục tiêu mà chúng ta phải hướng tới và cơ quan quản lý cũng đã có những cái "neo". Đó là chu kỳ giữa các đợt điều chỉnh giá phải là 10 ngày và biên độ tăng giảm là không quá 7%, khiến DN không thể tùy tiện khi điều chỉnh giá xăng. Tuy nhiên, để làm được điều này, lộ trình thị trường hóa hoạt động kinh doanh xăng dầu phải sớm thực hiện, nếu chậm thì NTD sẽ chịu thiệt thòi.
Kiểm soát chặt, bảo đảm minh bạch
Sau khi giá xăng dầu điều chỉnh tăng, các DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải đã điều chỉnh tăng giá cước. Bởi theo tính toán của các DN này trong vòng 23 ngày, giá xăng dầu đã tăng 3 lần, trong đó giá xăng tăng 11% và giá dầu tăng 8%. Giá xăng dầu chiếm khoảng 40% cước vận tải, nên mức tăng giá vận tải sắp tới sẽ khoảng 4-5% mới đủ để bù đắp chi phí. Cước vận tải tăng sẽ khiến giá đầu vào của nhiều loại hàng hóa tăng theo, khiến cho tình trạng tồn kho lớn do sức mua giảm sẽ còn kéo dài. Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến sức mua trên thị trường suy yếu là do giá hàng hóa, dịch vụ đã ở mức quá cao. Việc xăng dầu tăng giá khiến nhiều mặt hàng tăng theo sẽ khiến sức mua càng giảm và mục tiêu giải phóng hàng tồn kho của DN chưa có cơ hội được cải thiện.
Để thực hiện mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc Nhà nước phải sử dụng những công cụ tài chính nhằm giữ ổn định giá xăng dầu, tạo tiền đề cho nền kinh tế phát triển ổn định. Theo bà Phạm Chi Lan, với mức tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ như hiện nay, Nhà nước nên sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, bởi quỹ được lập ra với mục đích khi nào xăng dầu tăng giá cao quá sẽ đưa ra để giữ ổn định giá. Biện pháp giảm thuế nhập khẩu xăng dầu cũng cần được cân nhắc, bởi thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu đang ở mức quá cao đã khiến hoạt động buôn lậu xăng dầu gia tăng. Trong lúc "nước sôi, lửa bỏng" hiện nay, giảm thuế nhập khẩu xăng dầu là việc nên làm.
Tuy nhiên, hiện nay hoạt động điều hành giá xăng dầu vẫn chưa hợp lý, tình trạng độc quyền vẫn còn tồn tại, đòi hỏi Nhà nước phải có sự can thiệp, kiểm soát chặt chẽ công cụ giá. Việc sớm xây dựng thị trường xăng dầu cạnh tranh, đồng thời ban hành những quy định cụ thể yêu cầu DN đầu mối công khai giá vốn, chi phí, lượng hàng nhập và tồn kho là những yếu tố quan trọng nhằm bảo đảm minh bạch lỗ lãi của các DN. Điều này cũng giúp xác định rõ mức tăng giá bán của DN có hợp lý hay không, qua đó tạo được sự đồng thuận cao của dư luận đối với việc điều hành giá xăng dầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.