Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trào lưu ăn cơm trực tuyến trong giới trẻ Hàn Quốc

Theo Bích Ngọc| 15/09/2014 14:34

Khi ngày càng có nhiều người trẻ Hàn Quốc sống độc thân, có một trào lưu mới cũng bắt đầu hình thành để những người trẻ sống một mình có thể thỏa mãn nhu cầu được giao tiếp với người khác.


Nhu cầu này đã đưa tới một hiện tượng trong giới trẻ Hàn, đó là mọi hoạt động, từ ăn cơm, giải trí, đến học tập, làm việc… đều được truyền hình trực tuyến để những bạn ảo qua mạng có thể cùng ăn, cùng chơi, cùng học tập, làm việc… với nhau.

Kim Kwang-min, một thanh niên đang sinh sống và làm việc tại Seoul, cho biết anh thường xuyên phải ăn tối một mình, nhưng điều đó không khiến Kwang-min cảm thấy buồn bởi anh có một cách để giải trí, giúp lên tình thần trong bữa ăn. Kwang-min có thể tìm thấy ai đó cũng đang ăn một mình giống như mình và cùng trò chuyện với họ ở trên mạng.

Đương nhiên, cả hai bên đều ghi hình trực tuyến để các cư dân mạng khác có cùng “hoàn cảnh” cũng có thể quan sát họ đang ăn uống ra sao.

Hiện tượng này được biết tới trong xã hội Hàn Quốc bằng cụm từ “mok-bang” nghĩa là “truyền hình từ phòng ăn”. Kwang-min cho biết: “Những người thường xuyên tham gia mok-bang cũng là những người thường phải ăn một mình. Mok-bang giúp họ cảm thấy như thể đang được ăn với những người khác nữa, bởi họ có thể vừa tán gẫu vừa ăn uống thông qua truyền hình Internet”.

Những người tham gia vào trào lưu “mok-bang” chỉ là những người bình thường, nhưng từ trào lưu này, đã có những bạn trẻ trở nên nổi tiếng trên mạng và thu về những lợi nhuận không ngờ, nhiều hơn cả số lương của một công việc thông thường.

Kim Hyo-jin, 22 tuổi, là một trong hàng ngàn người trẻ ở Hàn Quốc gia nhập trào lưu mới này. Hàng ngày cô dành thời gian đi chợ, nấu ăn để rồi ăn trực tuyến với các fan hâm mộ. Càng nhiều người vào xem Hyo-jin ăn cơm trực tuyến và dành tặng những đánh giá tốt, số tiền quy đổi dành cho Hyo-jin sẽ càng nhiều. Cô gái chia sẻ: “Tôi cảm thấy như thể mình là một người nổi tiếng, thật tuyệt vời và vô cùng hạnh phúc”.

Bên cạnh trào lưu ăn cơm trực tuyến, giờ giới trẻ Hàn Quốc còn mở rộng ra thành các trào lưu mới như học bài trực tuyến, ca hát trực tuyến… Giờ đây, mỗi người bình thường đều có thể trở thành chủ nhân của những “chương trình truyền hình thực tế” trên mạng, trong đó họ là nhân vật trung tâm.

Đã có những người trẻ kiếm được 10.000 đô la/tháng vì trở thành nhân vật nổi tiếng trên mạng theo cách này. Số người ra vào các trang truyền hình trực tuyến tại Hàn Quốc cũng đang tăng lên mỗi ngày.

Một lý do chính khiến các kênh trực tuyến này thu hút giới trẻ Hàn Quốc là bởi ở quốc gia này văn hóa Internet đã đi sâu vào các tầng lớp dân cư. Hàn Quốc là một trong những quốc gia có số người sử dụng thiết bị điện tử kết nối Internet đông đảo nhất thế giới, với 98% dân số được tiếp cận với mạng Internet.

Thứ hai, các chuyên gia nghiên cứu ở nước này cho rằng một nguyên nhân quan trọng nữa dẫn đến những trào lưu như “mok-bang” chính là bởi tâm lý người Hàn Quốc.

Giáo sư tâm lý học ở trường Đại học Yonsei, ông Wang Sang-min cho biết: “Người hàn Quốc có tâm lý thường trực rằng mọi người xung quanh luôn luôn quan sát và phán xét họ, vì vậy, đồng thời họ cũng luôn thích quan sát người khác. Do đó, các cá thể luôn rất hấp dẫn nhau”.

“Mok-bang” xét về bản chất cũng là một nhóm người thoải mái quan sát, đánh giá một người khác.

Thứ ba, trong xã hội Hàn Quốc, những người phải ngồi ăn một mình thường bị coi là đáng thương, với nét tâm lý khá giống người Việt Nam, theo kiểu “ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân”. Trong khi đó, ngày càng có nhiều người trẻ ở quốc gia này, vì công việc và học tập, mà phải sống xa nhà và thường xuyên phải trải qua những bữa ăn một mình.

Nhìn sang quốc gia láng giềng Nhật Bản, có khá nhiều người thường xuyên ăn một mình nhưng xã hội Nhật không đánh giá, phán xét gì về họ cả. Các chuyên gia nghiên cứu xã hội Hàn Quốc cho rằng, trong tương lai, khi số lượng những người sống độc thân ở Hàn Quốc tăng lên, thì dần dần sức ép trong quan niệm xã hội đối với những người ăn cơm một mình cũng sẽ giảm đi.

Nếu không phải trào lưu “mok-bang” gây sốt tại Hàn Quốc thì các chuyên gia cũng tin rằng sẽ có những trào lưu khác nổi lên ngay, bởi ngày càng có nhiều người trẻ nước này sống độc thân, xa nhà, vì vậy, họ lại càng có nhu cầu lên mạng tìm kiếm những người bạn đồng hành trong lúc cô đơn một mình ở nhà.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trào lưu ăn cơm trực tuyến trong giới trẻ Hàn Quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.