Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân

Thế Dũng - Trần Thanh - Hương Ly| 20/05/2012 06:47

(HNM) - Nhân kỷ niệm 122 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19-5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội đồng Xét tặng giải thưởng cấp Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND). Tham dự có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị.

* Thái Nguyên kỷ niệm 65 năm Bác Hồ về ATK lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp
* Hà Nội chính thức thông xe quốc lộ 1A đoạn Cầu Chui - Cầu Đuống

(HNM) - Nhân kỷ niệm 122 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19-5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội đồng Xét tặng giải thưởng cấp Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND). Tham dự có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng các văn nghệ sĩ được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh và danh hiệu NSND. Chủ tịch nước tin tưởng, các văn nghệ sĩ, đặc biệt là các văn nghệ sĩ trẻ sẽ bám sát thực tiễn của đất nước, tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao trí tuệ, bản lĩnh, vốn sống, kế thừa và phát huy truyền thống văn hiến của dân tộc, thành tựu của nền văn học nghệ thuật cách mạng, tiếp tục sáng tạo những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, trong đó có những tác phẩm ngang tầm với chiến công vĩ đại của nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu và mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho các tác giả, đại diện gia đình tác giả. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN


Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này được trao cho 12 tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về văn học, nghệ thuật, có tác dụng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nền văn học, nghệ thuật. Danh hiệu NSND được trao tặng cho 74 nghệ sĩ. Đây là đợt xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật lần thứ 4; NSND lần thứ 7.

* Chào mừng kỷ niệm 122 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2012), tối 19-5, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về ATK Thái Nguyên lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (20/5/1947 - 20/5/2012) và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa. Tham dự lễ kỷ niệm có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An… các đồng chí nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, các tỉnh, thành, các quân khu và Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư chúc mừng.

Diễn văn ôn lại truyền thống đã khẳng định: Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thái Nguyên vinh dự được chọn làm an toàn khu (ATK) Trung ương - Thủ đô kháng chiến của cả nước. Ngày 20-5-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến ATK ở và làm việc tại đồi Khau Tý, thôn Điềm Mặc, xã Thanh Định, huyện Định Hóa. Chính tại ATK Định Hóa - Thái Nguyên, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam đã đặt đại bản doanh để lãnh đạo kháng chiến; đưa ra nhiều quyết định quan trọng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đến thắng lợi.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chúc mừng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên về niềm vui, niềm vinh dự to lớn này. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đề nghị trong những năm tới, Đảng bộ, nhân dân tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, nỗ lực phấn đấu cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, đẩy mạnh CNH, HĐH để đến năm 2020 góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại… Mặc dù thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn nhưng Chủ tịch nước tin tưởng, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên sẽ khắc phục mọi khó khăn để xây dựng tỉnh ngày một vững mạnh, giàu có, phồn thịnh như mong ước của Bác Hồ kính yêu.

Sau buổi lễ là chương trình nghệ thuật đặc biệt "ATK Thái Nguyên hát mãi tên Người" gồm 3 chương: ATK Thái Nguyên đón Bác về; ATK nhớ mãi tên Người; Bài ca dâng Bác với sự tham gia của hàng trăm diễn viên, kéo dài 70 phút. Đây là chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng kỷ niệm 122 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

* Trước giờ diễn ra lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về ATK Thái Nguyên, chiều 19-5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn công tác của Trung ương, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã làm lễ dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà tưởng niệm Người ở Đèo De, Phú Đình (Định Hóa). Tại Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa, Chủ tịch nước đã tặng quà 10 gia đình chính sách là cán bộ tiền khởi nghĩa, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ của các xã Trung Hội, Trung Lương, Bình Yên, Điềm Mặc và Phú Đình (Định Hóa).

* Ngày 19-5, hội thảo khoa học chủ đề "Bác Hồ với Thái Nguyên" đã được tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên. Hội thảo đã nhận được gần 50 báo cáo, tham luận của các nhà khoa học xoay quanh chủ đề "Bác Hồ với Thái Nguyên" như: Những quyết định quan trọng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ATK Định Hóa trong Thu Đông 1953 - Viện Lịch sử Quân sự; bối cảnh và ý nghĩa lịch sử của sự kiện Bác Hồ về ATK Định Hóa lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Viện Lịch sử Đảng; sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng với quá trình hình thành căn cứ địa Việt Bắc và ATK Định Hóa - Viện Hồ Chí Minh; ATK - Dấu ấn của Hội đồng Chính phủ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1947-1954 - Bảo tàng Hồ Chí Minh...

* Sáng 19-5, UBND quận Long Biên đã tổ chức lễ khánh thành dự án cải tạo, nâng cấp mở rộng quốc lộ 1A, đoạn Cầu Chui-Cầu Đuống (đường Ngô Gia Tự). Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã tới dự, phát lệnh thông xe và gắn biển công trình kỷ niệm 122 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2012).

Là một trong những nút giao thông trọng điểm phía đông bắc Thủ đô, kết nối Hà Nội với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hải Dương, Hải Phòng… dự án nâng cấp quốc lộ 1A đã được Bộ Giao thông Vận tải chủ trương xây dựng và mở rộng từ nhiều năm trước. Song do những khó khăn khách quan, tới năm 2008, UBND TP Hà Nội đã giao cho quận Long Biên làm chủ đầu tư thực hiện dự án. Với chiều dài toàn tuyến 2.834m, mặt cắt ngang 48m, làn xe cơ giới và thô sơ hai chiều, dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư được cân đối khai thác từ tiền sử dụng đất, quỹ đất, dự án đấu giá trên địa bàn. Phần còn lại do UBND TP Hà Nội bảo đảm. Với sự đồng thuận cao của chính quyền và người dân địa phương, sau nhiều năm kiên trì chuẩn bị quỹ, nhà đất tái định cư, giải phóng mặt bằng… dự án đã hoàn thành.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.