(HNM) - Mấy ngày qua, có một vấn đề đặc biệt
Có rất nhiều phát ngôn với báo giới rất đáng chú ý. Một cán bộ thổ lộ: "Cơ quan có ý định xây nhà cho cán bộ, nhân viên tại trụ sở cũ nhưng chưa có đề xuất chính thức quy mô xây dựng cụ thể gì tại đó". Có cơ quan cho biết, một bộ phận đã chuyển ra làm việc tại trụ sở mới, nhưng trụ sở cũ sẽ cải tạo, nâng cấp chứ không chuyển nhượng cho bất cứ đơn vị nào. Có cơ quan công bố sẽ đấu giá quyền sử dụng đất tại khu vực trụ sở cũ, cơ quan thì hé lộ sẽ bán lại trụ sở cũ cho công ty cổ phần, cơ quan khác sẽ chuyển giao diện tích trụ sở cũ cho TP Hà Nội quản lý...
Thật là muôn hình muôn vẻ!
Trên thực tế, việc di dời trụ sở các cơ quan nhà nước, bệnh viện, trường đại học... ra khỏi nội đô, hình thành các khu vực hành chính tập trung là một chủ trương lớn của Chính phủ, được xác định rõ trong Quy hoạch vùng Thủ đô và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phải khẳng định, đây là chủ trương phù hợp với yêu cầu phát triển Thủ đô bền vững, cũng như để giảm áp lực về dân số, về hạ tầng đô thị. Về việc sử dụng diện tích trụ sở cũ khi các cơ quan nhà nước, bệnh viện, trường đại học... tiến hành di dời, Hà Nội cũng xác định sẽ ưu tiên chủ yếu cho các mục đích công cộng, tăng diện tích phục vụ chung cho cộng đồng nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Tuy nhiên, để tránh tình trạng tùy tiện, "trăm hoa đua nở" khi các cơ quan, đơn vị di dời trụ sở, cũng như để bảo đảm những diện tích "đất vàng" của các đơn vị sau khi di dời được sử dụng đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch chung, đồng thời giảm áp lực dân cư và giao thông trong khu vực nội đô, thì vấn đề này phải được coi như một đề án có tầm cỡ quốc gia, do Nhà nước, Chính phủ trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Có như vậy, trước hết sẽ tránh được tình trạng "khoán trắng" cho các cơ quan, đơn vị... tự xử lý vấn đề trụ sở mới - cũ, dễ nảy sinh những lộn xộn, tiêu cực như bài học từng diễn ra trong định giá đất đai, tài sản khi thực hiện cổ phần hóa trước đây. Bên cạnh đó, mục tiêu hình thành các khu vực hành chính tập trung, nơi các cơ quan nhà nước đóng trụ sở mới rất cần có tầm nhìn và quy hoạch. Đây là vấn đề được các quốc gia đặc biệt coi trọng. Có thể lấy ví dụ việc xây dựng trụ sở các cơ quan công quyền tại Việt Nam dưới thời Pháp thuộc từ cả trăm năm về trước đã cho thấy những nét đặc trưng về thiết kế, diện tích xây dựng... rất được coi trọng và tới giờ vẫn có giá trị về mặt nghệ thuật, lịch sử. Tóm lại là việc xây dựng trụ sở mới không thể theo kiểu "mạnh ai nấy làm". Mặt khác, có sự chỉ đạo thống nhất từ trên xuống thì những diện tích sau khi các cơ quan, đơn vị di dời mới có thể có cách giải quyết linh hoạt, nhằm thu được hiệu quả cao nhất cho việc phục vụ các lợi ích công cộng. Vấn đề này không thể giải quyết một cách cứng nhắc mà phải xem xét từng khu vực, vị trí, diện tích để có những tính toán phù hợp, vừa bảo đảm theo đúng quy hoạch chung, vừa hài hòa các lợi ích và huy động được các nguồn lực trong xã hội; đồng thời bảo đảm đúng quy định của pháp luật về đất đai, về quản lý công sản và về quản lý hành chính.
Và cuối cùng, nên chăng, theo kiến nghị của một số chuyên gia, Chính phủ cần xem xét việc giao cho Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng hoặc giao cho Ban chỉ đạo Nhà nước về nhà ở, thị trường bất động sản lên quy hoạch và kế hoạch, đồng thời tìm vị trí và thời điểm di chuyển thích hợp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.