Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tránh tình trạng "loạn" chỉ số đánh giá

Phong Thu| 15/05/2012 07:09

(HNM) - Chưa bao giờ các chỉ số đo lường phát triển lại xuất hiện nhiều như hiện nay. Có thể thấy ở rất nhiều lĩnh vực, bộ chỉ số đã được coi là công cụ để giám sát, đánh giá quá trình thực hiện và hiệu quả công việc của các ngành, các cấp.


Các chỉ số có mối tương quan với nhau cho thấy hướng nhìn vừa đồng nhất vừa đa chiều. Chẳng hạn như mối tương quan giữa chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) và các chỉ số đo lường khác như tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chỉ số phát triển con người (HDI) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có sự tỷ lệ thuận và có ý nghĩa thống kê. Những địa phương có điểm số PAPI cao thường được đánh giá cao hơn về chất lượng tăng trưởng kinh tế, phát triển con người và phát triển DN. Song, ở một số địa phương, người dân đánh giá chính quyền địa phương cao hơn so với đánh giá của DN (do chính quyền nơi đó quan tâm tới người dân nhiều hơn tới DN). Hay ở một số địa phương lại có điểm số PCI, tốc độ tăng trưởng GDP và điểm số HDI cao hơn điểm số PAPI (nguyên nhân là do người dân chưa hài lòng với mức độ hiệu quả quản trị và hành chính công, nhất là ở những lĩnh vực thuộc mối quan tâm của người dân). Hơn nữa, khi đánh giá về cùng một nội dung nhưng ở những bộ chỉ số khác nhau cũng cho kết quả khác nhau. Đơn cử như trong bộ chỉ số "theo dõi, đánh giá công tác cải cách hành chính - PAR Index" và bộ chỉ số PAPI cùng có nội dung chấm điểm về thủ tục hành chính công và mức độ công khai, minh bạch... nhưng kết quả sẽ không hoàn toàn giống nhau do mỗi bộ chỉ số lại có cách xây dựng trục nội dung, nội dung thành phần và chỉ số thành phần khác nhau.

Nhiều ý kiến lo ngại rằng, quá nhiều phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá kiểu này sẽ có không ít số liệu "vênh" nhau và dẫn đến... loạn chỉ số. Thông thường, mỗi bộ chỉ số tổng hợp thể hiện một bức tranh tổng thể về từng lĩnh vực, là thước đo hiệu quả công việc và sẽ được công bố rộng rãi. Tính ưu việt của nhiều bộ chỉ số là không chỉ cho thấy việc thực hiện tại các cơ quan, đơn vị, mà còn quan tâm đến những gì người dân đang trải nghiệm. Ngoài giá trị để chính các địa phương, đơn vị thông qua chỉ số nhìn được điểm mạnh, điểm yếu của mình hay học hỏi từ các đơn vị bạn thì bộ chỉ số còn có giá trị cao với các nhà hoạch định chính sách. Do vậy, để tránh quá nhiều bộ chỉ số đánh giá về cùng một vấn đề, trước khi có một cơ quan điều tiết sự hài hòa giữa các chỉ số nghiên cứu thì các bên nghiên cứu nên cân nhắc lựa chọn các trục nội dung cũng như tính toán số điểm tương ứng với chỉ số thành phần trong từng nội dung sao cho phù hợp, giúp các cơ quan chức năng có thể coi các chỉ số đã được công bố là căn cứ, là phương tiện nhằm cải tổ, nâng cao chất lượng chính sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tránh tình trạng "loạn" chỉ số đánh giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.