Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tránh tình trạng "đẻ non"

Linh Nhi| 01/09/2012 06:29

(HNM) - Nhằm thiết thực nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân và người lao động (NLĐ), thực hiện Nghị quyết Đại hội X Công đoàn (CĐ) Việt Nam hướng mạnh về cơ sở chăm lo cho NLĐ, 3 năm qua, tổ chức CĐ Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thí điểm xây dựng mô hình điểm sinh hoạt văn hóa (SHVH) công nhân.

Đến nay toàn TP đã có 8 điểm SHVH được thành lập đi vào hoạt động. Tuy đạt được mục đích nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân, song mô hình này vẫn còn những tồn tại cần khắc phục trước khi nhân rộng.

Một buổi sinh hoạt, giao lưu của công nhân tại điểm đọc sách báo văn hóa trong KCN Bắc Thăng Long. Ảnh: Kiều Hùng

Mang niềm vui đến người lao động

Khó có thể diễn tả hết niềm vui của nhiều công nhân lao động ở KCN Bắc Thăng Long khi đến với điểm SHVH được LĐLĐ Hà Nội đầu tư gần 200 triệu đồng để xây dựng và trang bị khá đầy đủ, nào là các loại máy luyện tập thể thao, tivi, dàn karaoke, tủ sách... Điểm SHVH này nằm ngay tại khu nhà ở công nhân trong khuôn viên KCN. Công nhân Đỗ Vân Thùy đồng thời là cán bộ CĐ Công ty TNHH Nippon Paint Việt Nam chia sẻ, trước khi có điểm SHVH công nhân ở đây, ngoài giờ làm việc Thùy và các bạn chỉ biết quanh quẩn bếp núc, trò chuyện và vùi đầu vào ngủ "giết" thời gian, nhiều khi cảm thấy rất buồn tẻ. Nhưng từ năm 2011 khi điểm SHVH được xây dựng, đi vào hoạt động, Thùy và các bạn thấy cuộc sống vui vẻ, sôi nổi hẳn lên, sau khi tan ca, cơm nước nhanh chóng rồi cùng nhau ra đó xem tivi hoặc tìm đọc sách báo, cập nhật tình hình thời sự, nâng cao kiến thức. Vui hơn nữa là, tại đây Thùy và các bạn đã làm quen, kết bạn được với nhiều bạn bè ở các công ty khác cùng KCN.

Tính thiết thực của mô hình điểm SHVH công nhân đã và đang "lan tỏa" trong các DN. Tuy ở thời điểm kinh tế đang suy thoái, nhưng thời gian qua nhiều DN trên địa bàn TP đã tự nguyện đầu tư xây dựng điểm SHVH ngay tại đơn vị mình. Tiêu biểu như xí nghiệp xử lý rác thải Nam Sơn (thuộc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội), Nhà máy nhựa Vinh Hạnh (Hà Đông), Công ty Ladoda (Gia Lâm), Công ty Thép Đông Dương (Sơn Tây), Công ty Stanley (Gia Lâm)… Chia sẻ về việc quyết định đầu tư hàng trăm triệu để xây dựng điểm SHVH công nhân, bà Phạm Thị Ngọc Chi, Chủ tịch CĐ Công ty Ladoda khẳng định, một phần DN muốn "giữ chân" NLĐ gắn bó với DN, mặt khác đây là việc làm để DN thể hiện trách nhiệm xã hội của DN đối với cộng đồng, với mong muốn khuyến khích, động viên NLĐ nâng cao đời sống tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống và năng suất lao động.

Còn nhiều khó khăn trong việc nhân rộng mô hình

Mỗi điểm SHVH công nhân được xây dựng và đầu tư trang thiết bị trung bình trị giá khoảng 200 đến 300 triệu đồng. Điểm SHVH công nhân hoạt động trên 5 tiêu chí, đó là giúp công nhân được đọc sách báo, xem tivi, truy cập internet; tổ chức sinh hoạt tập thể, tổ chức sinh nhật; tập thể dục thể thao; tuyên truyền phổ biến chính sách, kiến thức khoa học...; tổ chức câu lạc bộ sở thích. Khảo sát của tổ chức CĐ cho thấy, hoạt động thể dục thể thao diễn ra với tần suất thường xuyên và thu hút đông công nhân tham gia nhất.

Sau 3 năm thí điểm và phát triển được 8 điểm SHVH công nhân, hiện nay LĐLĐ TP Hà Nội đang có chủ trương nhân rộng. Tuy nhiên, làm thế nào duy trì, phát triển mô hình này đang là trăn trở lớn của tổ chức CĐ. Bởi quá trình hoạt động cho thấy còn tồn tại khá nhiều khó khăn, bất cập. Một số điểm chưa duy trì được hoạt động thường xuyên, bởi người quản lý điểm SHVH được thuê ở ngoài DN, KCN, thiếu trình độ, hoặc già yếu, không thức khuya, dậy sớm để mở cửa phục vụ NLĐ được trong khi NLĐ chỉ có thể đến sinh hoạt vào thời gian ngoài giờ làm việc. Hầu hết điểm SHVH công nhân hiện nay còn nghèo nàn về trang thiết bị, diện tích chật hẹp, thiếu trang thiết bị ánh sáng, hệ thống làm mát. Một số điểm SHVH thành lập ra rồi để lãng phí vì chưa có quy chế hoạt động, hoặc cũng có nơi điểm SHVH xa nơi ở của công nhân, khiến họ khó thu xếp đến tham gia...

Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch CĐ các KCN&CX Hà Nội cho biết, hiện nay điểm SHVH công nhân tự hoạt động theo chế độ của đơn vị trực tiếp "đẻ" ra nó, nên nhiều khi muốn hoạt động của điểm SHVH chất lượng hơn thì lại vượt quá khả năng, dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Các cán bộ CĐ đề nghị, LĐLĐ TP đầu tư bổ sung trang thiết bị, sách báo. Có cơ chế bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, trông coi, duy trì hoạt động thường xuyên. Hỗ trợ kinh phí điện, nước, internet và đầu tư hệ thống truyền thanh tại điểm SHVH, nhằm tuyên truyền, thu hút đông công nhân tham gia hơn... Khắc phục được những tồn tại trên để tránh tình trạng "đẻ non" dẫn đến việc các điểm SHVH hoạt động không hiệu quả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tránh tình trạng "đẻ non"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.