(HNM) - Hoạt động liên quan đến hóa chất tại các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp luôn tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe, thậm chí đến tính mạng con người, gây thiệt hại kinh tế và môi trường sống. Từ những sự cố đáng tiếc thời gian qua tại Hà Nội như sự cố đám cháy kho chứa hóa chất của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Cường Việt (phường Thượng Thanh, quận Long Biên) xảy ra ngày 30-6 vừa qua, hay trước đó là vụ cháy xảy ra tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông vào tháng 8-2019 cho thấy, việc siết chặt quản lý hóa chất không bao giờ được xem nhẹ, chủ quan, lơ là.
Mặc dù đến nay công tác xử lý sự cố môi trường tại hai vụ việc nói trên đã hoàn tất, nhưng dư luận không khỏi lo ngại về mức độ an toàn tại các kho chứa hóa chất khác nằm trong khu dân cư. Một loạt câu hỏi được đặt ra về trách nhiệm của doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương khi để xảy ra sự cố tại các kho chứa hóa chất và cách khắc phục hậu quả ra sao để bảo đảm an toàn môi trường sống cho người dân xung quanh?
Thời gian qua, với sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan đến hóa chất trên địa bàn thành phố đã cơ bản được bảo đảm an toàn. Hầu hết các đơn vị kinh doanh hay sản xuất, sử dụng hóa chất đều có kho chứa riêng đặt tại địa điểm phù hợp. Đặc biệt, kinh nghiệm từ những vụ hỏa hoạn xảy ra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất đã có nhiều thay đổi về nhận thức trong sử dụng hóa chất; tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, sự cố.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tình trạng một số cơ sở sản xuất có các kho chứa hóa chất chưa xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó với sự cố hóa chất; chưa thực hiện tốt việc huấn luyện an toàn hóa chất định kỳ và diễn tập ứng phó sự cố theo quy định, làm hạn chế khả năng ứng phó tại chỗ khi có sự cố hóa chất xảy ra. Điều đáng lo ngại là nhiều cơ sở sản xuất nhỏ có sử dụng hóa chất nằm gần các khu dân cư thiếu quy định quản lý cụ thể khiến việc chữa cháy, xử lý sự cố gặp khó khăn.
Để khắc phục những bất cập trên, trước hết cần đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng đối với việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất. Bên cạnh đó cần tuyên truyền cho doanh nghiệp cũng như người dân sống xung quanh các cơ sở này để họ chủ động có phương án đề phòng, bảo vệ khi chẳng may xảy ra sự cố.
Về phía các doanh nghiệp phải luôn đề cao cảnh giác và có kế hoạch, biện pháp phòng ngừa các sự cố liên quan đến hóa chất; cần nắm rõ kiến thức về an toàn hóa chất, nhất là trong khâu bảo quản, vận chuyển, sử dụng và xử lý khi xảy ra sự cố cháy nổ. Về lâu dài, các doanh nghiệp sử dụng hóa chất cần đẩy mạnh áp dụng sản xuất sạch, giảm dần việc sử dụng hóa chất nguy hiểm, thay thế các hóa chất độc bằng các hóa chất ít độc và thân thiện môi trường...
Các sự cố, đặc biệt các vụ hỏa hoạn liên quan đến hóa chất tại các khu dân cư đông người luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Vì thế, cần đẩy nhanh di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, hóa chất độc hại ra khỏi khu dân cư; có quy hoạch, bố trí khu vực riêng cũng như có các giải pháp bảo đảm an toàn môi trường cho các cơ sở này.
Để tránh những rủi ro xấu, cần chú trọng bảo đảm an toàn khi sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.