Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tranh gà nỗi hoài thương một thuở

Hà Chi| 28/01/2017 09:21

(HNM) - Đã có một thời, những bức tranh vẽ gà trở thành một phần không thể thiếu đến cùng niềm vui Tết đến, xuân về, trong mỗi gia đình người Việt. Niềm vui giản dị mà ấm áp ấy từng đi vào thơ ca, ở lại mãi trong ký ức hoài thương một thuở, gắn liền với đời sống, tâm hồn, nghệ thuật của ông cha ta xưa.


Quả vậy, hình ảnh chú gà trong hội họa được dẫn dụ qua thơ ca sao mà sinh động, gần gũi và ấm áp như “Đì đẹt ngoài sân, tràng pháo chuột/Om sòm trên vách, bức tranh gà” (thơ Tú Xương). Hay quen thuộc hơn là “Lũ trẻ còn mải ngắm bức tranh gà/Quên cả chị bên đường đang đứng gọi” (thơ Đoàn Văn Cừ). Và nữa, trong thơ Hoàng Cầm là “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

Đấy là hình ảnh gà trong dòng tranh dân gian, một phần thú vị vừa là sản phẩm vật chất, vừa là món ăn tinh thần dịp Tết xưa. Theo các nhà nghiên cứu, có chừng trên mười bức tranh gà đặc trưng trong các dòng tranh dân gian như Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng... Thậm chí, hình tượng gà được xếp vào hàng đầu trong số hình tượng phổ biến của các dòng tranh dân gian với những bức tranh tiêu biểu như “Em bé ôm gà; “Đàn gà mẹ con”; “Gà đàn”…

Trong đó, xuất hiện nhiều trong tranh là gà trống với tư thế oai vệ, ngẩng cao đầu, mào đỏ thắm, cựa sắc nhọn, đuôi xòe… mang theo thông điệp về sự an lành, thịnh vượng, khí thế đến cùng mùa xuân mới. Đặc biệt, tranh gà sớm xuất hiện cùng tranh Thần Canh cửa với tiếng gáy xua tan màn đêm, xua tan các thế lực hắc ám, báo hiệu một ngày mới tươi sáng. Ví như tranh “Em bé ôm gà” hay còn gọi là “Vinh hoa” của làng tranh Đông Hồ có hình ảnh rất quen thuộc là bé trai bụ bẫm ôm chú gà trống với cảm hứng sao mà hồ hởi, mãn nguyện, an lành. Hay gà trống trong tranh Hàng Trống giữ vẻ oai phong, chở che với những chú gà con bên khóm mẫu đơn lộng lẫy mang đến cảm giác thật yên bình.

Bên cạnh hình tượng gà trống, các dòng tranh dân gian còn có tranh gà mái, gà con quây quần gửi theo ước mong một mùa xuân sum họp, bình dị mà hạnh phúc. Có thể kể đến bức “gà đàn” với cả gà trống và gà mái. Gà trống chân khỏe, cánh lớn, oai phong, hướng về phía trước cảnh giác, chở che. Gà mái chăm chỉ, miệt mài kiếm mồi cho đàn gà con vô tư lự. Một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, một ước mong chân thành, giản dị khó diễn tả hết bằng lời qua nghệ thuật của ông cha ta thuở xưa.

Nổi tiếng không kém là bức “Đàn gà mẹ con” vừa mang đến hình ảnh thân thuộc về đời sống nông thôn với đàn gà thong thả kiếm ăn trong sân, ngoài vườn song còn thêm thông điệp về sự ấp ủ, tình thương của gà mẹ với gà con, cũng là tình mẫu tử xưa nay luôn luôn không bao giờ thay đổi. Cũng trong dòng tranh dân gian còn có bức Thần Táo về ba vị thần gắn bó với mỗi gia đình Việt Nam có trách nhiệm hằng năm, giáp Tết lên báo cáo Thiên đình về cuộc sống mỗi gia đình mà họ trông nom. Trong tranh có hình ảnh chú gà cùng với các loài vật khác thể hiện sự sung túc, ấm no.

Có thể thấy, dù là dòng tranh nào, dù hình tượng gà trống, gà mái, đàn gà hay gà mẹ gà con… thì bấy lâu nay, trong ký ức người Việt mỗi dịp Tết đến, loài vật thân thuộc như gà đã trở thành một biểu tượng của sinh sôi, của niềm vui sum họp, của an lành, hạnh phúc. Tranh gà dịp Tết là không thể thiếu với sự vỗ về to lớn về tinh thần đối với ông cha ta xưa. Hôm nay, nhìn lại tranh gà, trong từng đường nét, màu sắc cũng thấy ra một phần không khí cái Tết cổ truyền của người Việt, thấy phần nào đời sống tâm hồn bình dị, đẹp đẽ, tươi mới đầy sức sống, tình yêu của con người ngày trước.

Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Hoài Anh trong những năm tháng chiến tranh đã viết trong bài thơ “Bức tranh gà”:

“Khuôn tranh làng Hồ
Thơm mùi gỗ thị
Vỏ xơ mướp khô
Vuốt trên giấy bản
Sắc mầu đã tô

Bác thợ lật giấy
Con gà đứng dậy
Ơ sao bỗng thấy
Mắt gà chớp nhanh
Mắt bác không chớp
Cái mào lửa cháy
Cổ vươn tiếng gáy
O o bình minh
Chân vàng sừng sững

Bác thợ ngắm tranh
Thấy lòng vỗ cánh
Thấy đời lại xanh”

Giờ đây, tranh gà hầu như không xuất hiện trong dịp Tết, nhưng rất nhiều hoạt động truyền thống tái hiện chợ Tết được tổ chức ở nhiều không gian văn hóa như bảo tàng, lễ hội, triển lãm… Tranh gà có lúc trở lại như một gạch nối giữa quá khứ với hiện tại, một thông điệp không bao giờ cũ của thế hệ đi trước còn gửi lại hôm nay.

Đặc biệt, tranh gà trong nghệ thuật đương đại không phải không có. Họa sĩ Thành Chương từng có bức tranh gà với bố cục rất phóng khoáng nhưng theo các nhà nghiên cứu thì đường nét vẫn hết sức gần gũi với hình ảnh chú gà Tết thuở xưa. Và với những họa sĩ giữ nếp mỗi năm vẽ một con giáp thì hẳn năm nay, chúng ta cũng có những bức tranh gà đương đại phong phú hơn và chắc chắn ít nhiều vẫn mang theo những hoài thương một thuở về tranh gà Tết cũng như đời sống tâm hồn, nghệ thuật của ông cha ta thuở xưa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tranh gà nỗi hoài thương một thuở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.