Thảo luận về dự án Luật Dự trữ quốc gia, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí rằng mục tiêu sử dụng dự trữ quốc gia cần dựa trên cân đối nguồn lực, bảo đảm phù hợp với bản chất dự trữ quốc gia, tránh dàn trải.
Sáng 11/4, tiếp tục Phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Dự án Luật dự trữ quốc gia (DTQG).
Ảnh minh họa. Nguồn: Tuổi trẻ |
Mục tiêu quá rộng
Ủy ban Tài chính - Ngân sách - cơ quan thẩm tra Dự án Luật Dự trữ quốc gia (DTQG) nhất trí với Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật DTQG nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động dự trữ quốc gia, đáp ứng yêu cầu dự trữ quốc gia trong tình hình mới, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Dự thảo Luật quy định mục tiêu dự trữ quốc gia nhằm phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội; bình ổn thị trường; ứng phó biến đổi khí hậu, an sinh xã hội…
Tuy nhiên, theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, mục tiêu này quá rộng so với nguồn lực dự trữ quốc gia và chưa phù hợp với bản chất của dự trữ quốc gia. Ủy ban này lý giải “trên thực tế, ngay cả ở những nước phát triển, có tiềm lực dự trữ quốc gia mạnh thì nguồn lực dự trữ quốc gia cũng chỉ được sử dụng nhằm ứng phó với những vấn đề quốc phòng, an ninh, tình huống đặc biệt nghiêm trọng”. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan soạn thảo luật cần xem xét thu hẹp mục tiêu sử dụng dự trữ quốc gia dựa trên cân đối nguồn lực, bảo đảm phù hợp với bản chất dự trữ quốc gia, tránh dàn trải, không hợp lý. Theo đó, nguồn lực DTQG chỉ được sử dụng trong trường hợp cấp bách, bất khả kháng, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, đời sống, an sinh xã hội trên phạm vi rộng mang tính vùng, miền, quốc gia
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng đồng ý rằng, mục tiêu mà dự thảo Luật nêu là quá rộng. Ông đề nghị không đưa mục tiêu đảm bảo trật tự xã hội vào Luật và cân nhắc có nên đưa mục tiêu bình ổn thị trường vào hay không?
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng băn khoăn về mục tiêu đảm bảo an sinh bởi cho rằng, việc thực hiện sẽ không đạt hiệu quả cao, không khả thi.
Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cũng bày tỏ quan điểm: “Thêm cả an sinh xã hội và bình ổn thị trường vào mục tiêu DTQG là không cần thiết.”
Không đồng ý dự trữ quốc gia bằng tiền
Theo quy định của Dự thảo Luật thì phạm vi hàng DTQG bao gồm các loại vật tư, hàng hóa thiết yếu và tiền.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị, không quy định DTQG bằng tiền mà chỉ nên dự trữ bằng hàng hóa, vật tư thiết yếu. Bởi, chỉ có hàng hóa mới có thể đáp ứng tính khẩn cấp, kịp thời và phù hợp với mục tiêu của DTQG; khó có thể sử dụng tiền để ứng cứu trong những tình huống này. Bên cạnh đó, quy định về DTQG bằng tiền tại Pháp lệnh DTQG hiện hành trên thực tế cũng chưa được thực hiện. Theo thông lệ quốc tế, việc dự trữ tiền phải là các đồng ngoại tệ mạnh mà không phải là nội tệ. Mặt khác, trong bối cảnh tiềm lực tài chính của việt Nam còn hạn chế, việc quy định DTQG bằng tiền sẽ dẫn đến khó phát huy tối đa giá trị đồng tiền, lãng phí nguồn lực, phát sinh phức tạp trong quản lý, sử dụng. “Quan điểm của tôi là không dự trữ bằng tiền” - Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc… cũng đồng ý với quan điểm của Ủy ban Tài chính – Ngân sách.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng “ở một mức độ nào đó có thể dự trữ bằng tiền”.
Về nguồn hình thành DTQG, dự thảo quy định “DTQG được hình thành từ ngân sách nhà nước do Quốc hội quyết định”. Song, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, trong điều kiện hiện nay, để tăng cường sức mạnh DTQG thì cần thiết phải xã hội hóa nguồn lực DTQG. Ủy ban này đề nghị trong luật cần có quy định để tạo cơ chế mở, khuyến khích các nguồn lực khác ngoài nguồn ngân sách quốc gia.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, cần có cơ chế cho doanh nghiệp đầu tư vào những cơ sở hạ tầng DTQG như: Đầu tư vào kho tàng, bến bãi… “Chỉ cần Nhà nước đưa cho doanh nghiệp các dữ liệu về điều kiện tiêu chuẩn thì doanh nghiệp cũng làm được. Nhà nước sẽ không cần đầu tư kinh phí vào đây, như vậy sẽ tăng được tiềm lực DTQG” - Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.