Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tránh cảnh “con hát, mẹ khen hay”

Khánh Vũ| 23/06/2015 06:20

(HNM) - Ngày 20-6, Bộ GD-ĐT tổ chức thi tuyển 100 kiểm định viên chất lượng giáo dục thông qua thi sát hạch cho đợt 1 năm 2015.

Đợt thi này có số lượng tuyển chọn khá lớn sau một vài đợt có số lượng trúng tuyển khiêm tốn. 10 năm qua kể từ khi khái niệm "kiểm định chất lượng" được đưa vào Luật Giáo dục từ năm 2005, các cuộc thi như vậy cho thấy hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục đang trong quá trình hoàn thiện, còn một số vấn đề cần được bổ khuyết.

Sinh viên Trường Đại học Thủy lợi trong giờ thực hành. Ảnh: Bảo Lâm



Các trường tự công bố chất lượng

Việc đưa khái niệm kiểm định chất lượng vào Luật Giáo dục từ 10 năm trước cho thấy, Nhà nước đã chủ trương chọn kiểm định chất lượng làm công cụ duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, cho tới nay, việc thực hiện kiểm định chất lượng vẫn còn khá hạn chế. Khi nghiên cứu về cải cách giáo dục ĐH ở Việt Nam, các nhà khoa học thuộc Nhóm đối thoại do GS Ngô Bảo Châu chủ trì đã đánh giá: Trong các công cụ bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng có lẽ là công cụ được biết đến rộng rãi và được sự quan tâm lớn nhất từ phía Nhà nước. Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục là cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về kiểm định chất lượng. Quy định về kiểm định chất lượng cũng được hình thành và chỉnh sửa nhiều lần, trên cơ sở tham khảo quy định về kiểm định chất lượng thế giới. Trên cơ sở đó, hầu hết các trường ĐH, CĐ trên cả nước đã thành lập đơn vị chuyên trách về kiểm định chất lượng bên trong (dù trong thực tế các đơn vị này thường vẫn phải kiêm nhiệm các nhiệm vụ như khảo thí, thanh tra). Từ phía cơ sở, một số trường đã nhận ra ích lợi của kiểm định chất lượng giáo dục và có một số nỗ lực đáng ghi nhận trong việc tham gia vào chương trình kiểm định của các tổ chức quốc tế như AUN, ABET.

Một công cụ bảo đảm chất lượng khác là công khai thông tin chất lượng bao gồm các chỉ số như tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng, mức thu nhập bình quân của sinh viên sau tốt nghiệp, mức độ hài lòng của sinh viên, tỷ lệ công bố khoa học/giảng viên… Song, tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, thông tin nói trên ở Việt Nam vẫn chưa đạt được độ tin cậy bởi các trường tự đo và tự công bố báo cáo của mình, việc mà đúng ra cần được giao cho một tổ chức độc lập.

Theo khuyến nghị của Nhóm đối thoại giáo dục, để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, cần áp dụng đồng bộ các công cụ bảo đảm chất lượng. Tuy vậy, trong điều kiện nguồn lực hữu hạn, Nhà nước nên tập trung vào hai công cụ có tính khả thi và phổ dụng hơn là kiểm định chất lượng và công khai thông tin chất lượng. Hai hoạt động này cần được xem là hoạt động bắt buộc và định kỳ đối với tất cả các trường, chương trình ĐH và CĐ trong cả nước. Kết quả kiểm định chất lượng độc lập cần được xem như tiêu chí trong việc phân bổ ngân sách, quyết định mở, đóng hay tạm ngừng các chương trình đào tạo, bổ nhiệm, tái bổ nhiệm các nhân sự cấp cao trong trường ĐH.

Cần đơn vị kiểm định độc lập

Để có thể triển khai một cách hệ thống công tác kiểm định, năm 2012, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quy định về kiểm định viên chất lượng giáo dục. Mới đây Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục thông báo sẽ tuyển 100 kiểm định viên thông qua thi sát hạch trong đợt tuyển chọn tháng 6-2015. Theo đó, người dự tuyển phải có trình độ từ thạc sĩ trở lên, có thâm niên công tác từ 10 năm trở lên trong lĩnh vực giáo dục (là giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục ĐH và trung cấp chuyên nghiệp). Bên cạnh đó, ứng viên phải có chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục ĐH và trung cấp chuyên nghiệp do cơ sở đào tạo được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ cấp.

Tuy nhiên cũng có ý kiến băn khoăn về cơ quan tổ chức tuyển chọn. Theo chuyên gia bảo đảm chất lượng giáo dục Đỗ Thị Ngọc Quyên, nghiên cứu sinh tại ĐH Melbourne, Australia, nếu thực hiện như vậy, thông qua Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT đang thực hiện vai trò chuyên môn thay vì chức năng quản lý nhà nước. Trong khi đó, tuyển chọn kiểm định viên để tiến hành đánh giá ngoài là nhiệm vụ của nhà tuyển dụng, tức là của các trung tâm kiểm định. Ngoài ra, việc sát hạch năng lực và trình độ của kiểm định viên và cấp chứng chỉ hành nghề là nhiệm vụ chuyên môn của tổ chức nghề nghiệp. Chuyên gia Đỗ Thị Ngọc Quyên nhấn mạnh, việc cần thiết phải có một ủy ban độc lập giám sát, đánh giá hoạt động của các tổ chức kiểm định và bảo đảm chất lượng cũng như các hoạt động và công cụ khác để tư vấn cho Chính phủ về các vấn đề liên quan đến chất lượng giáo dục ĐH.

Trên thực tế, Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận, với hơn 400 trường ĐH, CĐ, việc kiểm định đã trở nên quá tải. Bộ cũng đã ban hành các quy định về việc thành lập tổ chức kiểm định đánh giá ngoài, được coi là một bước tiến mới, tạo cơ sở để các tổ chức kiểm định độc lập ra đời. Một số chương trình đã bắt đầu được đánh giá kiểm định theo quy định của Bộ GD-ĐT và 3 trung tâm kiểm định độc lập đã được thành lập tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, các chuyên gia của Nhóm đối thoại giáo dục vẫn nhấn mạnh: Cả 3 trung tâm này chưa hoàn toàn có tính độc lập vì hoạt động dưới sự bảo trợ chuyên môn của hai ĐH Quốc gia và ĐH Đà Nẵng. Tại các nước khác, các trung tâm kiểm định chất lượng thường tách rời, không trực thuộc các trường ĐH và Bộ GD-ĐT.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tránh cảnh “con hát, mẹ khen hay”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.