(HNM) - Trong khi tranh cãi về cải cách pháp lý tại Ba Lan vẫn chưa kết thúc, Liên minh châu Âu (EU) lại tiếp tục bị một thành viên khác là Hungary phản đối khi không thừa nhận phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu liên quan đến vấn đề người di cư tại quốc gia này. Những “lời qua, tiếng lại” kể trên được xem là thách thức không nhỏ đối với tiến trình nhất thể hóa châu Âu.
Ngày 10-12, Tòa án Hiến pháp Hungary đã ra phán quyết cho rằng, nước này có quyền áp dụng các biện pháp riêng trong những lĩnh vực EU chưa thực hiện các bước thích hợp để thực hiện các quy tắc chung. Động thái này được đưa ra sau khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban không thừa nhận phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu (khẳng định Budapest vi phạm luật bảo vệ người di cư của EU vì đã trục xuất họ đến biên giới với Serbia). Trước đó, Bộ trưởng Tư pháp Hungary Judit Varga cũng bác bỏ phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu vì cho rằng việc thực hiện phán quyết này sẽ dẫn đến tình trạng nhiều người di cư ở lại Hungary vĩnh viễn.
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, ủy ban này đang phân tích phán quyết của Tòa án Hiến pháp Hungary. Bởi một khi đã gia nhập EU, các nước thành viên đều phải chấp nhận nguyên tắc rằng, luật chung của khối sẽ có vị thế cao hơn và được ưu tiên áp dụng hơn luật của các quốc gia thành viên. Nếu một tòa án của Hungary được phép nghi ngờ các phán quyết của tòa án cao nhất châu Âu thì chính khái niệm về luật pháp và trật tự trên toàn liên minh sẽ trở nên vô nghĩa. Nói một cách khác, phán quyết của Tòa án Hiến pháp Hungary đã thách thức tiến trình nhất thể hóa châu Âu.
Trước đó, khi Tòa án Hiến pháp Ba Lan ra phán quyết cho rằng, một số điều khoản trong hiệp ước với EU không thể được coi là quan trọng hơn Hiến pháp nước này, Ủy viên Tư pháp của EU Didier Reynders đã nhấn mạnh, những nguyên tắc về ưu tiên luật của châu Âu so với luật quốc gia và tính chất ràng buộc trong những phán quyết của tòa án châu Âu là “cốt lõi của liên minh”. Ông Reynders cũng tuyên bố, Ủy ban Tư pháp sẽ không ngần ngại sử dụng tất cả các công cụ có thể để bảo đảm luật của EU được ưu tiên áp dụng tại các nước thành viên.
Kể từ năm 2011, khi làn sóng đảo chính mang tên “Mùa xuân Arab” khiến một số quốc gia Trung Đông và Bắc Phi lâm vào tình trạng bất ổn, lượng người di cư bất hợp pháp chạy sang châu Âu để tránh chiến tranh và nghèo đói gia tăng đột biến. Trong vòng 1 thập kỷ qua, chủ đề này luôn bao trùm nhiều chương trình nghị sự của EU. Năm 2015, các nhà lãnh đạo khối này thông qua chương trình tái định cư cho người tị nạn khi việc đóng cửa các đường biên giới dọc hành lang các nước Balkan, khiến hàng chục nghìn người di cư bị mắc kẹt tại Hy Lạp và Italia. EU cam kết giảm gánh nặng cho Hy Lạp và Italia bằng cách phân bổ lượng người di cư này sang các quốc gia châu Âu khác.
Trong khi đó, từ khi lên nắm quyền vào năm 2010, Thủ tướng V.Orban đã nhiều lần xung đột với các thể chế của EU, đồng thời tự cho mình là người đấu tranh cho lợi ích quốc gia của Hungary. Từng là một trong những nhà lãnh đạo phản đối gay gắt nhất việc nhập cư ồ ạt vào châu Âu từ Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á nên năm 2016, ông đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý nhằm phản đối việc EU phân bổ người di cư tới các quốc gia thành viên. Thủ tướng V.Orban cho rằng, các nước ở Trung và Đông Âu vốn nghèo so với mặt bằng châu Âu, nên nếu tiếp nhận lượng người nhập cư lớn sẽ ảnh hưởng tới sự ổn định về cả kinh tế và an ninh.
Với động thái của Tòa án Hiến pháp Hungary, có thể dự báo, trong thời gian tới, mối quan hệ giữa EU và Budapest sẽ trải qua một giai đoạn khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.