Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tranh cãi chưa ngã ngũ

Hà Tuấn| 11/05/2013 08:37

(HNM) - Hàng loạt cây cầu vượt, đường trên cao hiện đại được đầu tư xây dựng, bên cạnh việc giúp giải tỏa ách tắc giao thông thì đang phát sinh những hiểm họa khôn lường.

"Tử thần" trên đầu dân

Mới đây, xe đầu kéo mang biển kiểm soát (BKS) 51C-236.88, kéo theo rơ-moóc BKS 51R - 045 lưu thông trên nhánh cầu A, cầu vượt Cát Lái (quận 2), khi ôm cua giữa cầu thì bất ngờ container (loại 40 feet) bị nghiêng rồi rơi xuống đường. Sự cố trên khiến nhiều người tham gia giao thông và công nhân đang thi công đường phía dưới cây cầu hoảng loạn tháo chạy. Đây là vụ lật xe thứ 8 tại nhánh cầu vượt này trong hơn 2 năm kể từ khi được chính thức thông xe vào tháng 8-2010. Ông Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh lo lắng: "Chứng kiến các vụ lật xe trên nhánh cầu vượt Cát Lái, tôi không khỏi giật mình. Nếu chẳng may các thùng hàng trên văng ra khỏi lan can cầu, tính mạng hàng nghìn người lưu thông bên dưới cầu sẽ ra sao?”.

Vụ container văng khỏi xe rơi xuống đường ở cầu vượt Cát Lái khiến người tham gia giao thông một phiên kinh hoàng.



Không chỉ cầu vượt Cát Lái, hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng có không ít cây cầu đem lại… hiểm họa tương tự.

Đơn cử, nhánh cầu N1 trên cao, thuộc cầu Thủ Thiêm (quận Bình Thạnh) cũng được mệnh danh là "khúc cua tử thần" vì chỉ hơn 3 tháng sau ngày thông xe, đã xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm chết 3 người. Chưa hết, đoạn cua vòng tròn thuộc cầu vượt Nguyễn Văn Cừ (nối quận 4 với quận 5) nguy hiểm đến nỗi đơn vị thi công phải cho treo tới 4 biển báo cảnh báo với dòng chữ "Khúc cua nguy hiểm thường xảy ra tai nạn chết người". Đường trên cao nối cầu Phú Mỹ với đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) cũng không ngoại lệ…

Lỗi do thiết kế (?)

Nhiều lái xe cho rằng nguyên nhân các vụ tai nạn như vậy nằm ở… thiết kế cầu. Anh Trần Hạnh, tài xế container cho Công ty TNHH Giao nhận Công Thành, phân tích: "Cầu ngắn, lại dốc và hẹp, còn đoạn cua gần như gấp khúc nên nếu không quen đường và xử lý tốt, rất dễ bị lật xe, thậm chí bị văng xe xuống đường. Hầu như các xe tải nặng đều phải đi với tốc độ "rùa bò", chậm hơn cả tốc độ cho phép khi qua cầu vượt này".

Ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (Khu 2) thừa nhận, hiện cơ quan chức năng chưa tìm ra phương án khả dĩ nhằm ngăn chặn triệt để rủi ro. "Đối với lan can chắn hai bên thành cầu, sẽ không có bất cứ một thiết kế nào đủ cứng để chịu được trọng lượng các thùng container, có chăng phải làm các thành bê tông chắn hai bên, nhưng lại không tuân thủ theo tiêu chuẩn thiết kế cầu. Tóm lại, tất cả các cây cầu cong đều tiềm ẩn nguy cơ tai nạn nếu phương tiện lưu thông chạy ẩu" - Ông Thiết nhấn mạnh.

Thạc sĩ Phạm Sanh, nguyên giảng viên Khoa Thiết kế công trình cầu đường (ĐH GTVT TP Hồ Chí Minh) thẳng thắn cho biết, lỗi cơ bản vẫn là khâu thiết kế, thẩm định và phê duyệt công trình có vấn đề. Trước đó, đơn vị quản lý cầu Cát Lái cũng đã phải bóc lớp bê tông nhựa để thay thế lớp mới có độ nhám cao hơn, khi liên tiếp xảy ra các vụ "trượt ngã" của xe container trên cầu. Do đó, cần xem lại vai trò, trách nhiệm của đơn vị quản lý khai thác cầu.

Trái ngược các ý kiến trên, ông Vũ Kiến Thiết cho hay, nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn trên đều là xe chạy quá tốc độ quy định cho phép (tối đa 30km/h); phần lớn xe quên chốt cố định container vào thân xe nên khi vào cua, dễ bị rơi xuống đường. "Cầu vượt Cát Lái làm đúng theo quy chuẩn thiết kế cầu đường như độ dốc, độ cong, chiều rộng, chiều dài mặt cầu... Đặc biệt, đây là công trình tiêu biểu của thành phố nên vấn đề chất lượng công trình được xem xét và thẩm định kỹ trước khi làm" - Ông Thiết nêu rõ.

Tranh cãi chưa ngã ngũ, trong khi đó, hiểm họa thì vẫn chực chờ trên đầu dân. Mới đây, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã giao Khu 2 phối hợp với Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị, lực lượng CSGT tiến hành kiểm tra, rà soát hiện trạng, các yếu tố kỹ thuật của các nhánh cầu, đề xuất biện pháp tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại khu vực như cắm biển hạn chế tốc độ, biển báo dẫn hướng tại các vị trí đường cong, lắp đặt thêm hàng rào trên lan can... Đặc biệt, giữa tháng 5, hệ thống camera giám sát tốc độ trên cầu sẽ hoàn thành, giúp làm rõ nguyên nhân các vụ tai nạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tranh cãi chưa ngã ngũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.