(HNM) - Hà Nội hiện đang đẩy nhanh tiến độ các dự án cải tạo hồ đang thi công và chuẩn bị đầu tư, đồng thời tiếp tục kêu gọi các DN tham gia cải tạo môi trường các hồ nội thành và nhân rộng mô hình này tới địa bàn ngoại thành.
Tuy nhiên vấn đề đặt ra là tránh cách làm theo phong trào, chạy theo thành tích. Hy vọng cùng với các dự án đã đưa vào sử dụng từ trước khi những dự án trên hoàn thành, hệ thống hồ Hà Nội sẽ thực sự trở thành những "lá phổi xanh", vừa đóng vai trò điều hòa, chống úng ngập trong mùa mưa, vừa tạo cảnh quan đô thị và cải tạo điều kiện sống cho người dân Thủ đô.
Đã triển khai 45/112 dự án cải tạo hồ
Hồ Phương Liệt sau khi được cải tạo đã góp phần điều hòa thoát nước, giải quyết úng ngập, cải thiện điều kiện sinh sống cho người dân, tạo cảnh quan môi trường đẹp cho Thủ đô. Ảnh: Nguyệt Ánh
Theo thống kê, toàn TP Hà Nội có 112 hồ nằm trong đề án "Cải tạo môi trường các hồ nội thành Hà Nội". Giai đoạn I của đề án chính thức được triển khai từ quý I-2010. Trong giai đoạn này, đã có 45/112 dự án cải tạo hồ được triển khai. Đáng chú ý, ngoài sử dụng nguồn vốn ngân sách TP, thực hiện chủ trương của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội, nhiều DN đã tích cực tham gia theo phương thức xã hội hóa (XHH), kết hợp ủng hộ kinh phí cải tạo hồ. Đi đầu phải kể tới Công ty CP Vincom, Công ty CP Him Lam, Ngân hàng Thương mại CP Công thương Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị - UDIC… Các hồ sau khi được cải tạo đã làm tốt vai trò điều hòa, chống úng ngập trong mùa mưa, vừa tạo cảnh quan đô thị và cải tạo điều kiện sống cho người dân Thủ đô.
Ông Trần Đức Vũ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Hưởng ứng lời kêu gọi của TP, trong giai đoạn I, các DN đã ủng hộ khoảng 200 tỷ đồng. Trong giai đoạn II của đề án, TP vẫn đang kêu gọi các DN ủng hộ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là các hồ nằm trong khu vực nội thành. Thấy tính hiệu quả của đề án này, một số huyện cũng đang đề nghị TP cho phép tổ chức cải tạo hồ trên địa bàn.
Những kết quả trên là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, tại hội nghị bàn về tiến độ triển khai các dự án cải tạo hồ vừa được UBND TP Hà Nội tổ chức mới đây, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn Thành Long cho biết: Trong số 20 hồ thuộc đề án được các DN đóng góp kinh phí, mới chỉ có 8 hồ đã hoàn thành. Nhưng ngay trong 8 hồ này, có tới 3 hồ tại quận Long Biên vẫn chưa thực sự hoàn chỉnh. Cụ thể, hồ Thạch Bàn 1, phần thoát nước chưa được thi công đồng bộ nhằm kết nối hiệu quả với các dự án khác của quận theo quy hoạch. Tại hồ Vục, hạng mục cống hóa thi công chưa bảo đảm yêu cầu về tiết diện và cao độ theo các thông số quy hoạch do cơ quan chức năng của TP cung cấp nên chưa đáp ứng được các yêu cầu về thoát nước. Với hồ Vả, nhà đầu tư vẫn chưa thể thi công hạng mục tuyến đường quy hoạch cạnh hồ và khu cây xanh do mặt bằng chưa được giải phóng.
Với 7 hồ đang thi công, chủ yếu còn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) khiến cho tiến độ dự án chưa bảo đảm. Riêng với dự án hồ Tư Đình (quận Long Biên), nhà đầu tư là Liên danh Tập đoàn Hòa Phát và Ngân hàng ACB yêu cầu phải có mặt bằng sạch mới vào thi công. Không chỉ khó khăn về mặt bằng, hồ Tứ Liên (quận Tây Hồ) quy hoạch tổng mặt bằng dự án đã có nhưng đang phải điều chỉnh, dự kiến tháng 9-2011 mới có thể hoàn thành thiết kế cơ sở và bàn giao cho nhà đầu tư thi công dự án. Với hồ Đầm Khê (quận Hà Đông), tổng kinh phí cải tạo đồng bộ dự án khoảng 34 tỷ đồng. Hiện nhà đầu tư là Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - CIENCO5 đóng góp 15 tỷ đồng. Trong số 19 tỷ đồng còn thiếu đã có 4 doanh nghiệp cam kết đóng góp 10 tỷ đồng nhưng đến nay cũng mới chỉ huy động được 2,7 tỷ đồng… Ngoài ra, 5 dự án cải tao hồ khác vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Các quận, huyện cần chủ động "gọi" đầu tư
Nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đang trong giai đoạn thi công và chuẩn bị đầu tư, tại hội nghị nói trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã yêu cầu các quận tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và đẩy nhanh tiến độ GPMB. Để dự án bảo đảm chất lượng, trong suốt quá trình thi công, Sở Xây dựng phải bố trí lực lượng giám sát, nghiệm thu khối lượng, tránh tình trạng mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp. Với 3 dự án đã hoàn thành nhưng chưa đạt yêu cầu tại quận Long Biên, Sở Xây dựng tiếp tục chỉ đạo đôn đốc làm theo đúng các tiêu chí quy hoạch, bảo đảm chất lượng. "Các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu phải triển khai dự án đồng bộ, không được phép làm theo kiểu phong trào, chạy theo thành tích!" - Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh.
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Đức Vũ, một số huyện cũng đang đề nghị cho cải tạo các hồ ngoại thành. Từ thực tiễn triển khai đề án thời gian qua, quan điểm của Sở là TP nên giao cho các quận, huyện chủ động "gọi" các DN trên địa bàn tham gia XHH. Quận, huyện phải cùng vào cuộc chứ không nên chỉ coi đây là công việc của TP. Ngoài các dự án theo phương thức XHH, TP cũng đang triển khai 18 hồ khác theo phương thức BT (xây dựng - chuyển giao). Trong số này, 10 dự án đã được UBND TP phê duyệt, 8 dự án đang trình hồ sơ. Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị: Đối với các dự án quy mô lớn có thể xem xét cho phép nhiều nhà đầu tư liên danh thực hiện.
Một số ý kiến khác cho rằng, hiện nay, TP đang xem xét không cho các nhà đầu tư tham gia cải tạo hồ theo phương thức BT được hoàn vốn bằng đất. Khi đó, việc "gọi" các nguồn lực ngoài xã hội sẽ rất khó khăn. Vì vậy, bên cạnh việc sử dụng vốn ngân sách của TP và các quận, huyện, TP cũng cần mở rộng phương thức đầu tư khác với các cơ chế khuyến khích cụ thể nhằm hấp dẫn các nhà đầu tư. Ví dụ đầu tư theo phương thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Với phương thức này, các tổ chức, cá nhân muốn đầu tư sẽ được khai thác kinh doanh các dịch vụ từ dự án để hoàn vốn.
* 8 hồ XHH đã hoàn thành đưa vào sử dụng, bao gồm các hồ Thạch Bàn 1, Thạch Bàn 2, hào Thành cổ Sơn Tây, hồ Vục, hồ Phương Liệt 2, hồ Sen, hồ Vả, hồ Long Trì. * 10 dự án theo phương thức BT đã được UBND TP phê duyệt, bao gồm: hồ Đình làng Phú Gia (quận Tây Hồ); hồ Đầm Mực (huyện Thanh Trì); hồ Trạm Xá và hồ Ao ươm Đản Dị (huyện Đông Anh); hồ Ao Cửa Làng và ao cá Bác Hồ (quận Hoàng Mai); cụm hồ Lò Gạch (huyện Từ Liêm); hồ Đức Diễn, hồ Đình Quán, hồ Chuối (huyện Từ Liêm); hồ Đầu Băng (quận Long Biên); hồ thôn Huỳnh Cung (huyện Thanh Trì); hồ Cửa chùa Nam Dư (quận Hoàng Mai); hồ Ao cá giống (quận Tây Hồ). 10 dự án này sẽ lần lượt được triển khai trong giai đoạn 2011-2013. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.