(HNM) -
Để giảm thiểu tai nạn đuối nước, cần “xóa mù” bơi càng nhanh càng tốt. Ảnh: Gia Hiếu |
- Ông có thể cho biết đôi nét về chương trình “xóa mù bơi” của Hà Nội?
- Thực ra, không phải đến năm nay Hà Nội mới làm chương trình “xóa mù bơi”. Nhiều năm gần đây, thành phố đã thực hiện Chương trình Phòng chống tai nạn thương tích, trong đó, việc phổ cập bơi là một nhiệm vụ trọng yếu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, khi mà tình trạng đuối nước ngày càng gia tăng, việc xóa mù bơi càng trở thành nhiệm vụ cấp thiết. Chính vì vậy, năm 2013, Phòng TDTT Quần chúng đã chủ động điều chỉnh các hoạt động, dành hơn 1 tỷ đồng trích từ hoạt động kinh phí sự nghiệp để đầu tư cho chương trình “xóa mù bơi”, coi đây là một hoạt động trọng điểm.
- Khoản kinh phí này được phân bổ như thế nào?
- Chúng tôi hỗ trợ 21 quận, huyện trên địa bàn mở 29 lớp dạy bơi trong hè này, bắt đầu từ cuối tháng 5. Mỗi lớp được Sở hỗ trợ hơn 30 triệu đồng, giúp trả lương HLV, góp kinh phí với trung tâm TDTT các quận, huyện trong việc mở lớp. Yêu cầu đặt ra là mỗi lớp phải đào tạo được 150 em biết bơi, tức là bơi được tối thiểu 25m của một trong 4 kiểu bơi sải, bơi ếch, bơi bướm, bơi ngửa.
- Tại sao là 21, mà không phải là cả 29 quận, huyện, thị xã của Hà Nội?
- Việc tổ chức các lớp bơi phụ thuộc vào số lượng bể bơi đủ tiêu chuẩn. Do trung tâm TDTT của một số quận, huyện trên địa bàn còn chưa có bể bơi nên họ không tổ chức được các lớp này. Trong bối cảnh ấy, chúng tôi chú trọng, mở nhiều lớp ở những quận, huyện ở “vùng sâu, vùng xa”, vùng có nhiều sông, hồ, ao như Ba Vì, Mỹ Đức, Đan Phượng…
- Đến thời điểm này, chương trình đã được thực hiện đến đâu, thưa ông?
- Đã có 17/21 quận, huyện, thị xã mở được 23/29 lớp bơi, mỗi lớp từ 15 đến 20 buổi. Cần lưu ý, đối tượng được học phải là các em chưa biết bơi. Kinh phí của Sở cấp có giới hạn, nhưng kết hợp với địa phương, rất nhiều lớp dạy bơi đã được triển khai. Các đơn vị nổi bật có thể kể đến là Đông Anh, Long Biên, Sơn Tây, Phú Xuyên, Thanh Trì…
- Trên thực tế, rất ít phụ huynh, cũng như các em học sinh được biết đến thông tin về các lớp bơi do Sở hỗ trợ kinh phí. Tại sao vậy? Liệu có tình trạng các trung tâm TDTT cố tình không công khai thông tin, để ưu tiên con em và người thân?
- Nguồn hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng, chia cho 29 lớp của 21 quận, huyện nghe có vẻ lớn nhưng thực ra cũng chỉ là “muối bỏ bể” so với chi phí mở lớp, vận hành bể bơi. Một giải đấu phong trào về bơi lội, chúng tôi thuê bể một ngày đã tốn 10 triệu đồng. Do đó, rất khó đáp ứng được tất cả, khi mà nhu cầu học bơi là quá lớn.
Điều chúng tôi mong muốn là sự hỗ trợ của Sở sẽ trở thành “chim mồi”, khuyến khích các quận, huyện vào cuộc mạnh mẽ hơn. Theo như thông tin tôi được biết, trung tâm TDTT các quận, huyện thường phối hợp với một vài trường học để “làm điểm” (các lớp học có hỗ trợ - PV), như thế sẽ hiệu quả hơn.
- “Làm thật - an toàn - hiệu quả” là tiêu chí lãnh đạo Sở đề ra cho chương trình. Đề nghị ông cho biết cơ chế giám sát sẽ được thực hiện như thế nào để tránh chuyện “làm giả - ăn thật”, phát huy ý nghĩa thực sự của việc xóa mù bơi?
- Tai nạn đuối nước gắn liền với sinh mạng trẻ em. Vì vậy, dạy bơi cần phải làm rất sát sao, tránh chuyện “báo cáo nhầm”. Để giám sát chương trình, năm nay, chúng tôi sẽ tiến hành việc cấp giấy chứng nhận cho các học viên đạt tiêu chuẩn trong kỳ kiểm tra kết thúc lớp học. Tại kỳ kiểm tra, các nhà quản lý và chuyên môn sẽ có mặt để trực tiếp thị sát, giám sát kết quả dạy và học của BTC lớp học.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.