Đô thị

Trang trí đường phố dịp lễ tết: Chờ những sáng tạo tâm huyếtNỗ lực vì một Hà Nội "đẹp từng centimét"

An Định 27/01/2024 09:42

Tến đến xuân về, mỗi góc phố, con đường Hà Nội như thường lệ lại được khoác tấm áo mới, lung linh, rực rỡ hơn.

Dẫu trang trí đường phố đã là hoạt động thường kỳ mỗi dịp lễ, tết, song làm đẹp ra sao để vừa toát lên vẻ văn minh, hiện đại, lại đậm đà bản sắc Thủ đô từ lâu vẫn là câu hỏi khó, đòi hỏi những sáng tạo tâm huyết vì một Hà Nội đẹp từng centimét.

trang-tri-1.jpg
Trang trí đường phố Hà Nội ngày càng đổi mới nhưng vẫn cần thêm những ý tưởng sáng tạo. Ảnh: Quang Thái

Thành phố yêu cái đẹp

Với tâm thế người Thủ đô, lại sẵn một lòng yêu cái đẹp và gu thẩm mỹ tinh tế từ ngàn đời, người Hà Nội có truyền thống chăm lo làm đẹp từ nhà ra phố, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán. Nhiều tài liệu cả văn bản lẫn tranh, ảnh đều cho thấy, vào mỗi dịp lễ tết, hội hè, phía trước nhà, ngoài ngõ, phố Hà Nội xưa đều được người dân dụng công trang trí bằng nhiều hình thức như trồng hoa, treo phướn, cờ, đèn đuốc... rực rỡ.

Trong cuốn “An Nam phong tục sách”, tác giả Mai Viên Đoàn Triển (1854 - 1919) có đề cập đến phong tục trang trí nhà cửa và khu vực phía ngoài nhà của người Việt ở Đồng bằng Bắc Bộ nói chung vào dịp Tết Nguyên đán: “Trung tuần tháng Chạp, tứ dân đi xa, lục tục trở về quê quán, may sắm quần áo, dọn dẹp vườn tược, nhà cửa, lau chùi đồ đạc, mọi việc đều phải gọn gàng sạch sẽ. Đàn ông, đàn bà ăn mặc chỉnh tề, đi chợ mua tiền vàng, áo mã làm đồ thờ cúng gia tiên, áo mũ để làm lễ tiễn ông Táo. Mua pháo, tranh giấy, hoa giấy, hương, nến và các thứ cần dùng khác trong ngày Tết”. Ở ngoài cổng: “Phần nhiều người ta dùng giấy đỏ, giấy vàng, viết đại tự, đối liên dán vào vách tường (...) Sau ngày tất niên, người ta đốt pháo giăng đèn, rất là náo nhiệt. Đến cả người nghèo khó cũng cố mà theo tục lệ ngày Tết”.

Cũng chẳng phải đến bây giờ người Hà Nội mới được tiếp cận những lễ hội hoa đăng, làm đẹp cảnh quan hay thực hiện các nghi lễ tâm linh bằng ánh sáng. Việc treo đèn lồng, đốt đuốc trong các sự kiện lễ hội, đặc biệt vào dịp Tết và đầu xuân đã được thực hiện qua hàng trăm năm ở nhiều địa phương với những nghi thức khác nhau. Nổi bật nhất và được sử sách nhắc đến nhiều nhất là Lễ hội đèn Quảng Chiếu được tổ chức lần đầu vào thế kỷ XII, được ghi lại trong các tài liệu lịch sử quan trọng như “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Đại Việt sử lược”...

Theo “Đại Việt sử lược” thì "Năm hội trường Đại Khánh thứ 7, Bính Thân (1116), mùa xuân, tháng Giêng, đặt đèn Quảng Chiếu ở ngoài cửa Đại Hưng, chế nhà sư bằng gỗ đánh chuông"; "Năm Thiên phù Duệ Vũ thứ 7 (1126), tháng Giêng mở hội đèn Quảng Chiếu bảy ngày bảy đêm"... Đặc biệt, lễ hội được miêu tả tương đối rõ nét trong văn bia "Sùng Thiện Diên Linh" của chùa Long Đọi thuộc tỉnh Hà Nam với những chi tiết như “Hai bên nghìn đèn nhấp nháy, bốn mặt rực rỡ vàng son”, “Dồn thú vui của thiên hạ, đêm trở thành ngày. Thỏa tâm mục của thế gian, già nay trẻ lại”...

Ngoài dịp Tết và tháng Giêng, hoạt động trang trí ở đường phố, những nơi công cộng của người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng cũng được ghi nhận trong nhiều tác phẩm như “Hội hè lễ tết của người Việt” của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên, “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính...

Thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân cũng rất chú trọng việc quy hoạch các vườn hoa, khu vực công cộng. Trong cuốn “Phố và đường Hà Nội”, nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc đã liệt kê rất nhiều vườn hoa do người Pháp xây dựng như vườn hoa Chí Linh, một trong những vườn hoa đầu tiên mà thực dân Pháp lập tại Hà Nội, từ năm 1886; vườn hoa Nayret (nay thường gọi là vườn hoa Cửa Nam), vườn hoa Gambetta (vườn hoa Bình Than)... Vì vậy, những ngày lễ tết, bên cạnh việc giăng đèn, cờ quạt, ở Hà Nội có thêm việc trang trí bằng hoa, cây cảnh, biểu diễn nghệ thuật ở các khu vực đông người lại qua...

Còn thiếu dấu ấn

Ngày nay, việc trang trí đường phố đã được thực hiện một cách bài bản với nhiều quy mô từ thành phố tới các quận, huyện. Hoạt động chăng đèn, kết hoa, dựng biểu ngữ, linh vật, cổng chào... diễn ra rộng khắp trên nhiều tuyến phố, khu vực công cộng, tạo nên không khí tưng bừng mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Dẫu vậy, trên thực tế, việc trang trí Thủ đô vẫn cần những nét chấm phá mới mẻ hơn và có dấu ấn hơn. Cũng còn ở đâu đó những cách trang trí lòe loẹt, lãng phí, tốn kém. Chẳng hạn như việc trang trí bằng những mô hình con giáp theo năm ở đôi chỗ còn chưa ăn nhập với cảnh quan, tính thẩm mỹ không cao. Hay việc thiết kế hệ thống đèn theo kiểu “mạng nhện” ở nhiều tuyến phố vừa rườm rà lại có khả năng gây mất an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Nhiều cụm đèn ở các khu vực giao thông không phù hợp, vừa dựng lên đã bị tháo dỡ gây lãng phí. Rồi có những cổng chào, đèn trang trí nhiều chi tiết lòe loẹt... không nhận được sự đồng tình của người dân về tính thẩm mỹ.

TS.KTS Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhìn nhận: “Việc trang trí đường phố là hoạt động dựa trên phong tục tập quán của dân tộc nhưng cũng cần phải để tâm đến cách làm. Đừng làm những gì chói lóa, tốn kém quá mức cần thiết, cần tránh bệnh hình thức. Chúng ta cũng cần có sự cân nhắc kỹ trước khi làm, cần nghĩ thêm phải làm như nào, tránh lãng phí”.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội, chúng ta đang thiếu các tác phẩm trang trí chất lượng cao, một phần vì các cuộc vận động thiết kế trang trí thành phố trước đây chưa có sức hút, một phần vì cách tư duy theo lối mòn.

Nhiều năm tham gia chấm giải trong khuôn khổ các cuộc thi ý tưởng trang trí, họa sĩ Trần Khánh Chương từng nhận định, chúng ta vẫn đang xoay quanh những ý tưởng cũ như hoa mai, hoa đào, ngôi sao... Tuy rằng mai, đào ngày Tết là không thể thiếu, nhưng họa sĩ Trần Khánh Chương cho rằng cần phải có cách bố cục, sự cách điệu hiện đại hơn.

Cần thêm những ý tưởng

Tuy còn chỗ này chỗ kia chưa tốt, song không thể phủ nhận những nỗ lực của Hà Nội trong việc trang trí đường phố trong nhiều năm qua. Trong đó, phải kể đến cuộc vận động thiết kế trang trí thành phố do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức. Đây là sự kiện thường niên, nhằm huy động những sáng kiến, giải pháp sáng tạo để tạo dựng cảnh quan, không gian, hệ thống chiếu sáng đô thị đẹp mắt cho Thủ đô Hà Nội trong các ngày lễ, dịp kỷ niệm, các sự kiện lớn của đất nước và Thủ đô.

“Thông qua các cuộc thi, ban tổ chức lựa chọn được những tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc nhất làm đẹp thành phố, tạo điểm nhấn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các dịp lễ tết, các ngày kỷ niệm... trên địa bàn thành phố Hà Nội” - ông Trần Văn Hà - Giám đốc Trung tâm Thông tin triển lãm Hà Nội chia sẻ.

trang-tri-2.jpg
Tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc vận động thiết kế trang trí thành phố Hà Nội năm 2023.

Qua cuộc thi kể trên, nhiều ý tưởng đoạt giải đã được áp dụng để trang trí đường phố và ngày càng đạt được hiệu quả cao về thẩm mỹ, tính hiện đại, an toàn. Giữa tháng 12 vừa qua, tác phẩm ''Hướng về Thủ đô'' của họa sĩ, Tiến sĩ Bùi Văn Long (Phó Trưởng khoa Tạo dáng Công nghiệp, Trường Đại học Mở Hà Nội) đã được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trao giải Nhất cuộc vận động thiết kế trang trí đường phố năm 2023.

Chia sẻ về tác phẩm, họa sĩ Bùi Văn Long cho biết, anh lấy ý tưởng văn hóa truyền thống với các họa tiết, hoa văn trên trống đồng làm cốt lõi sáng tạo, đưa vào các chi tiết trang trí. Đồng thời, tác giả cũng kết hợp yếu tố văn hóa, thẩm mỹ với công nghệ hiện đại như 3D hologram để tiết kiệm, tối giản họa tiết, tạo nên một tổng thể hài hòa.

Đánh giá về chất lượng các sáng tác năm nay, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giám khảo nhận định: Nhiều tác phẩm thiết kế trang trí chiếu sáng có phong cách mỹ thuật hiện đại, vượt qua lối mòn cũ, sử dụng công nghệ mới như có gắn đèn led và sử dụng công nghệ quạt 3D hologram để trình chiếu tạo hình theo sự kiện hoặc chủ đề của từng năm.

Bên cạnh việc khuyến khích tìm tòi ý tưởng bằng các cuộc thi hằng năm, theo TS.KTS Ngô Doãn Đức, cần có một tư duy tổng thể trong việc trang trí. Trong đó, cần chú trọng đến việc trang trí có tính chuyên đề theo từng chủ điểm, cho từng đối tượng. Mỗi khu vực trong thành phố có một lối kiến trúc riêng, cảnh quan tự nhiên riêng nên việc trang trí cần nhã nhặn nhưng vẫn tôn lên được bản sắc từng khu vực. Bên cạnh đó, theo ông, việc trang trí thành phố nên thực hiện theo hướng xã hội hóa, phát huy nội lực của từng nơi.

Với mục tiêu xây dựng thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” như Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đề ra, Hà Nội không ngừng nỗ lực hoàn thiện về mọi mặt. Và để Hà Nội đẹp hơn mỗi ngày, nhất là trong “tấm áo dạ hội” mỗi dịp lễ tết, cũng là để đem lại giá trị tinh thần mới mẻ cho người dân, cần lắm sự chung tay đóng góp ý tưởng và hành động vì Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trang trí đường phố dịp lễ tết: Chờ những sáng tạo tâm huyết Nỗ lực vì một Hà Nội "đẹp từng centimét"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.