(HNM) - Những trận mưa lớn có thể làm phiền lòng không ít người, nhưng với nhiều hộ dân ở xã Dương Liễu huyện Hoài Đức thì đây lại là niềm vui bởi chỉ có vậy không khí ở đây mới trong lành phần nào.
Rác thải tràn ngập khắp hang cùng, ngõ hẻm. |
Chuyện đã lâu, kéo dài nhiều năm, đủ để cho dòng sông Đáy "sông trăng hay sông lụa" chảy qua địa phận xã thành lạch nước đen ngòm, bốn mùa tắc nghẽn. Cống rãnh trong làng thường xuyên phải nạo vét mà ngập úng cục bộ chỉ được cải thiện một thời gian ngắn rồi đâu lại vào đấy. Ấy vậy mà họ vẫn sống với một cuộc sống tương đối khá giả về vật chất, chỉ có sức khỏe và chất lượng cuộc sống là không có gì đong đếm được. Chị Nguyễn Thị Thu, chủ một cơ sở sản xuất ở Dương Liễu ước tính: Mỗi tấn củ sử dụng trung bình 5m3 nước. Không những là nước thải mà rác từ nghề này cũng đang trở thành gánh nặng cho xã hội. Trung bình mỗi ngày trên địa bàn xã thải ra 1.273 tấn rác/ngày, trong đó sản xuất tinh bột sắn thô là 500 tấn, sản xuất củ dong giềng là 840 tấn… Những con số đó làm đau đầu chính quyền địa phương bao năm nay. Ngay từ đầu làng, các chất thải từ rắn đến lỏng ứ đọng tại các cống rãnh đen ngòm tạo nên một mùi hôi thối khó chịu, đặc biệt mỗi khi mưa xuống, các chất thải đó không thể thoát được, mùi hôi càng khó chịu hơn. Đi sâu vào trong làng, mùi chua từ bột dong, sắn, mùi hôi nồng nặc từ cống rãnh cứ quấn lấy tạo nên thứ mùi hỗn tạp, mà theo như một số người dân nơi đây, nếu ai lần đầu vào thì không sao quên được.
Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Dương Liễu, Nguyễn Phi Đức người đã gắn bó với làng nghề nhiều năm, trăn trở: Nhìn dòng nước đen kịt, hôi hám của con sông từng là "sông trăng, sông lụa" trong quá khứ chưa xa kia, không phải là điều chúng tôi hướng tới để xây dựng một xã hội giàu có, văn minh. Chưa bao giờ đời sống của người dân ở đây rơi vào tình cảnh như hiện nay. Không chỉ do suy thoái kinh tế, hàng hóa làm ra 10 chỉ bán được 5, 6 phần khiến người dân mệt mỏi mà còn vì bà con đang bị stress nặng. Qua nhiều năm làm ăn với tâm lý tiểu nông, bà con mình làm đâu vứt đó, không có ý thức dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh khu sản xuất, nước thải, rác thải xả vô tội vạ ra môi trường. Họ tranh nhau từng tấc đất, lấn chiếm, từ đường làng ngõ xóm, hành lang giao thông, nhà văn hóa… để làm nghề trong khi các cụm điểm công nghiệp để thúc đẩy làng nghề giải quyết vấn nạn này thì vướng đủ thứ trở ngại, mãi chẳng thành hiện thực. Người dân ở đây sống, sinh hoạt và sản xuất trong cùng một không gian ô nhiễm. Và dù có đồng ra đồng vào nhưng quanh năm suốt tháng "đánh vật" với môi trường sống, với cơm áo gạo tiền, với các món vay ngân hàng đến kỳ trả nợ… Và hơn hết, họ không có không gian sống trong lành để hưởng thụ cuộc sống vật chất khá giả do mình làm ra.
Cùng chung tâm trạng, bà Hồ Thị Huê, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Liễu tâm sự: Người dân Dương Liễu, ngoài làm ruộng, gắn bó với nghề để không phải ly hương, giảm áp lực di dân tự do, cung cấp phần lớn thực phẩm như miến, bánh đa… cho đô thị nhưng làm thế nào để người nông dân sống được từ nghề, tự hào về nghề, có không gian để phát triển sản xuất ngay trên chính quê hương mình là trăn trở của chính quyền và nhân dân sở tại suốt bao năm qua. Để làm được điều ấy, thì sự tuyên truyền vận động, hay những đoàn kiểm tra theo định kỳ của các cấp, các ngành, các dịp trong năm sẽ không thể là giải pháp tối ưu mà cần một quy hoạch tổng thể. Người dân Dương Liễu không mong muốn đất "bờ xôi ruộng mật" của họ thành đô thị này, cao ốc kia, mà họ muốn Nhà nước quan tâm, giãn dân, bố trí để các hộ có thể mở rộng đầu tư sản xuất. Có như thế đời sống nông dân, nông thôn ở đây mới khá lên một cách toàn diện.
Xã Dương Liễu có hơn 10 nghìn dân. Toàn xã có 25 ngành nghề khác với số hộ gia đình tham gia làm nghề là 1.069. Trung bình hằng năm, các loại hình ngành nghề xả thải ra môi trường khoảng 63.000 tấn chất thải hữu cơ và 1 triệu mét khối nước thải (tính trung bình mỗi hộ làm sắn chế biến 5 tấn củ/ngày, mỗi hộ làm đót chế biến 20 tấn củ/ngày). |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.