(HNM) - Trước khó khăn chung của nền kinh tế, làng nghề ở Hà Nội vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.
Xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, nơi có nghề tiện gỗ, không khí sản xuất ở thời điểm này khá trầm lắng. Anh Lê Trí Thành, chủ một xưởng tiện than thở: "Gia đình có xưởng sản xuất gần chục năm nay, chuyên làm hàng tiện như chiếu, dây hạt và gối hạt bằng gỗ trắc, gỗ sưa. Sản phẩm làm ra bao nhiêu, xuất khẩu sang Trung Quốc bấy nhiêu. Gần đây, thị trường giảm sút, gia đình không dám mượn thợ, hai vợ chồng trở thành lao động chính, sản xuất theo kiểu lấy công làm lãi". Ông Lê Trí Thắng, Trưởng thôn Nhị Khê cho biết: "Cách đây vài năm, người làng kiếm tiền dễ lắm. Tư thương Trung Quốc nườm nượp về đặt hàng chứ không như bây giờ...". Theo ông Thắng, không chỉ khó khăn bởi thị trường tiêu thụ thu hẹp mà giá nguyên liệu đầu vào cũng tăng. So với thời điểm cách đây hai năm, giá gỗ nguyên liệu đã tăng tới 50%, giá điện, nước, nhân công cũng tăng, nên người sản xuất không còn nhiều lợi nhuận.
Vẽ họa tiết cho sản phẩm gốm sứ xuất khẩu tại làng nghề Bát Tràng. Ảnh: Yến Ngọc |
Tại huyện Phú Xuyên, khảo sát của UBND huyện cho thấy, 5 LN trên địa bàn đang trong tình trạng mai một, không phát huy được như: Nghề thêu ở Đại Đồng, thị trấn Phú Xuyên; nghề đan guột tế thôn Phú Túc, xã Phú Túc và thôn Trung Lập, xã Tri Trung; nghề cào bông - màn tuyn ở thôn Văn Hội, xã Đại Thắng; nghề chế biến lương thực, thực phẩm ở làng Hòa Khê Hạ, xã Bạch Hạ.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Nội, các LN đang đứng trước rất nhiều khó khăn như phát triển tự phát, quy mô nhỏ lẻ; thị trường trong nước sức mua có hạn, thị trường xuất khẩu rất khắt khe về chất lượng, mẫu mã, đồng thời lại thiếu thông tin, phải mua bán qua trung gian... nên thu nhập của người lao động giảm. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu khai thác trên địa bàn Thủ đô mới chỉ đáp ứng được 20%, còn lại chủ yếu là nhập khẩu và thu mua từ ngoại tỉnh.
Trong khi đó, thiết bị công nghệ của các LN nhìn chung còn lạc hậu, chủ yếu là thủ công nên năng suất thấp, giá thành cao, chất lượng chưa cạnh tranh. Đó là chưa kể đến vốn để phát triển LN luôn thiếu, việc vay vốn còn hạn chế. Trình độ người thợ có tay nghề cao, chủ doanh nghiệp quản lý giỏi còn ít, khoảng hơn 50% chưa qua đào tạo. Một số LN phát triển đã bộc lộ mặt trái, cơ sở hạ tầng quá tải, môi trường bị ô nhiễm, khả năng xúc tiến thương mại, đăng ký thương hiệu cho sản phẩm còn thấp…
Với 1.350 làng có nghề song LN Hà Nội lại chỉ quy tụ ở một số nhóm ngành nghề chủ yếu như: sơn mài, khảm trai; nón lá mũ; mây tre giang đan, tăm hương; chế biến lâm sản, mộc dân dụng, gỗ cao cấp; thêu ren; dệt may... Số liệu điều tra năm 2011 cho thấy: Thu nhập bình quân lao động có nghề đạt 20-24 triệu đồng/người/năm, gấp 1,5-2 lần so với thu nhập bình quân trong làng. Một số ngành nghề có thu nhập bình quân cao như: Cơ khí, chế biến nông sản, gốm sứ từ 30 đến 40 triệu đồng/người/năm; nghề có thu nhập bình quân thấp là mây tre đan, thêu, nón mũ, từ 12 đến 14 triệu đồng/người/năm.
Để tháo gỡ khó khăn cho các LN, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công thương xây dựng Dự thảo "Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển nghề và LN trên địa bàn TP Hà Nội", hiện đang tiến hành lấy ý kiến đóng góp của các ngành chức năng. Theo đó, ba nhóm nghề, LN sẽ được ưu tiên hỗ trợ là các LN gắn với du lịch và xuất khẩu, ngành nghề sử dụng nhiều lao động, ngành nghề sử dụng lao động trong nước là chủ yếu. 6 nhóm nội dung chính hỗ trợ gồm các LN đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông; các LN, cụm tiểu thủ công nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải; các LN, cơ sở sản xuất tại các LN đào tạo nghề, truyền nghề, nhân cấy nghề, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, đổi mới ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất... Sự hỗ trợ sẽ được thực hiện theo hướng ngân sách thành phố hỗ trợ 100% tiền vật tư xây dựng hạ tầng giao thông LN; trạm xử lý nước thải đầu mối, đào tạo nghề, nhân cấy nghề thời hạn 3 tháng; chi phí xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại… Đây sẽ là động lực to lớn giúp LN vượt khó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hàng triệu lao động ở khu vực ngoại thành Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.