Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trăn trở chuyện kinh phí

Việt Tuấn| 13/11/2011 06:47

(HNM) - Kinh phí hoạt động của Đoàn hiện là đề tài "nóng" đối với các cấp đoàn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nhất là gần hai năm trở lại đây, khi thời buổi "bão giá", mọi thứ đều tăng gấp hai, thậm chí gấp ba lần, khiến cán bộ đoàn cơ sở cũng không thể "liệu cơm gắp mắm"…

"Có thực mới vực được đạo"

Từ sau khi mở rộng địa giới hành chính, TP Hà Nội có 577 xã, phường, thị trấn ở 29 quận, huyện, thị xã với dân số 6,7 triệu người, trong đó có 2 triệu thanh niên (gần 600 nghìn đoàn viên). Theo ghi nhận thực tế và đánh giá của Thành đoàn Hà Nội, địa bàn rộng, tổ chức đoàn đông, nhưng hoạt động đoàn khu dân cư một số nơi chưa thực sự mạnh, đặc biệt là khu vực ngoại thành Hà Nội. Ngoài nguyên nhân tình trạng dịch chuyển nguồn lao động, ĐVTN đi làm ăn xa; sức hấp dẫn của đoàn chưa cao, chất lượng đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng, còn do thiếu cơ sở vật chất, kinh phí và cơ chế chính sách đối với cán bộ đoàn.

Nguồn kinh phí cho các hoạt động, công tác đoàn tại cơ sở hiện nay chưa sát với thực tế. Ảnh: Linh Tâm

Theo Quyết định số 31/2008/QĐ-UBND về việc hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ủy ban MTTQ, ban thanh tra nhân dân và các tổ chức, đoàn thể tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội, hiện tổ chức đoàn thanh niên được thụ hưởng chính sách này theo 3 mức. Đoàn xã, phường, thị trấn loại 1 được hỗ trợ 24 triệu đồng/năm; loại 2: 22 triệu đồng/năm và loại 3: 20 triệu đồng/năm. Với mức hỗ trợ trên, đoàn cơ sở còn phải chi phụ cấp cho bí thư chi đoàn tại thôn, tổ dân phố và khu dân cư là 100 nghìn đồng /người/ tháng. Theo tính toán, nếu mỗi xã, phường, thị trấn có 20 chi đoàn, thì mỗi năm cũng chi trả phụ cấp ngót 20 triệu đồng, còn đâu kinh phí để hoạt động, tổ chức phong trào? Trước đây cán bộ đoàn thường "liệu cơm gắp mắm", có sao làm vậy, nhưng nay xem ra không thể liệu được nữa, khi mà giá cả leo thang từng ngày, phong trào của đoàn cũng hụt hơi từ đấy.

Trước tình hình trên, Thành đoàn Hà Nội đã gửi 1.154 phiếu xin ý kiến về vấn đề kinh phí cho hoạt động đoàn, hội gửi đến bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội. Kết quả có đến hơn 90% số người đồng ý tăng mức hỗ trợ kinh phí hoạt động cho đoàn, trong đó kinh phí chi phụ cấp cho bí thư chi đoàn trên địa bàn dân cư nằm ngoài kinh phí hỗ trợ trên. Đây được coi là cơ sở sát thực, giúp làm căn cứ để Thành đoàn đề nghị với Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội tăng kinh phí hoạt động của đoàn và phụ cấp cho cán bộ chi đoàn.

Cơ chế cùng với trách nhiệm

Theo tờ trình của Thành đoàn Hà Nội, mức hỗ trợ kinh phí hoạt động của tổ chức đoàn cấp xã, phường, thị trấn loại 1 là 50 triệu đồng/năm, loại 2 là 45 triệu đồng/năm và loại 3 là 40 triệu đồng/năm; mức kinh phí hỗ trợ hoạt động của Hội LHTN Việt Nam cấp xã, phường, thị trấn loại 1 là 20 triệu đồng/năm, loại 2 là 15 triệu đồng/năm, loại 3 là 10 triệu đồng/năm. Ngoài ra, Thành đoàn Hà Nội cũng đề nghị Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội hỗ trợ mức phụ cấp cho ủy viên ban thường vụ đoàn xã, phường, thị trấn 300 nghìn đồng/người/tháng; mức phụ cấp bí thư chi đoàn trên địa bàn dân cư 200 nghìn đồng/ người/tháng.

Hiện Thành ủy Hà Nội giao cho các ban đảng Thành ủy và các sở, ngành có liên quan của TP Hà Nội phối hợp, có văn bản chính thức về vấn đề này trình kỳ họp HĐND TP Hà Nội cuối năm 2011. Cũng theo ý kiến của nhiều cán bộ đoàn các quận, huyện, thị xã và cơ sở, dù mức kinh phí này so với thời điểm hiện tại cũng chưa phải là nhiều, song nếu được HĐND TP Hà Nội chấp thuận và thông qua tại kỳ họp cuối năm 2011 thì đó là nguồn động viên lớn đối với tổ chức đoàn, hội. Đặc biệt, năm 2012 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với tổ chức đoàn - diễn ra đại hội đoàn các cấp với nhiều hoạt động thiết thực gắn với an sinh xã hội.

Tuy nhiên khi cơ chế đã "thông" thì trách nhiệm của cán bộ đoàn cơ sở cũng cần phải nâng cao. Trưởng ban Tổ chức Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Ánh Dương cho biết, trong đợt rà soát sơ bộ chuẩn bị nhân sự cho đại hội nhiệm kỳ 2012 - 2017, cán bộ đoàn quá tuổi trên địa bàn dân cư là 952/1.175, đang đặt ra khó khăn cho cấp ủy trong việc luân chuyển, bố trí cán bộ ở cơ sở. Bên cạnh đó, một số nơi thiếu cán bộ nguồn quy hoạch; những người có trình độ, năng nổ công việc lại không tha thiết với đoàn vì cho rằng cán bộ đoàn như "vác tù và hàng tổng". Thậm chí có đoàn viên nhận thức rằng, cán bộ đoàn cấp cơ sở trẻ, chỉ là chân "sai vặt" cấp xã, phường, thị trấn. Kinh phí hoạt động đoàn thấp, nhiều lúc phải bỏ tiền túi tổ chức hoạt động để nuôi phong trào… nên hoạt động cứ "đì đẹt". Đây là những trăn trở của nhiều cán bộ đoàn cơ sở.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trăn trở chuyện kinh phí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.