Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trần thiếu, âm... thừa!

Nhật Minh| 23/01/2011 06:48

(HNM) - Đốt vàng mã ngày lễ, ngày rằm, ngày giỗ ông bà; sắp tới là tết ông Công, ông Táo và giao thừa là phong tục của dân ta không cứ ở nông thôn hay thành phố, song đang ngày càng có chiều hướng gia tăng, biến tướng gây nhiều lãng phí.

Có cầu ắt có cung. Năm nào cũng thế, người ta sốt sắng sắm lễ cúng bái trước cả tháng trời. Các phố Hàng Mã, Hàng Chiếu, Hàng Cá... treo đủ loại mặt hàng. Tiền vàng, quần áo, xe máy, xe hơi, nhà lầu bằng giấy... dành cho người ở thế giới âm nhưng không khác gì hàng thật. Sơ sơ, bộ đồ Táo quân giấy giá 35.000đ/bộ, cặp ngựa 90.000đ, ô tô, biệt thự từ 100 đến 350.000đ, quần áo, mũ từ 10 đến 100.000đ tùy bộ... Dịp tết, cả hàng vàng mã cũng tăng giá, nếu sắm đủ bộ lễ cho ngày ông Công, ông Táo và lễ giao thừa, gia đình trung bình thì mất tiền trăm, khá giả tới tiền triệu. Chưa có số liệu điều tra chính thức nhưng vào dịp cuối năm âm lịch, các hộ dân thành phố Hà Nội chi số tiền cho việc này phải tới nhiều tỷ đồng.

Song khi mà nhiều người không tiếc tiền mua sắm phục vụ cho cõi âm thì cũng còn hàng vạn gia đình, hàng triệu người dân sống ở vùng núi, vùng sâu vùng xa, vùng bị ảnh hưởng trực tiếp của đợt rét đậm, rét hại đang phải gồng mình giữ ấm cho người, chống rét cho đàn gia súc. Ngay giữa trung tâm Hà Nội, những ngày rét mướt này vẫn còn nhiều phụ nữ, trẻ em vật lộn mưu sinh lúc nửa đêm ở các chợ đầu mối, những người lái xe ôm co ro đợi khách, không ít thanh niên bạc mặt chờ việc trong gió hun hút ở các chợ lao động… mong kiếm được thêm tiền lo tết. Với một bộ phận không nhỏ người dân này, có được tấm áo, miếng ăn trong đời thực còn khó huống gì có tiền trăm, tiền triệu chi dùng cho việc... dưới âm!

Nghịch cảnh "trần thiếu, âm... thừa" như trên đang hiển nhiên tồn tại khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng. Điều thiết thực nhất lúc này là giải quyết nỗi lo đời thực, là mỗi gia đình có ý thức tiết kiệm chi tiêu, nên tham gia giúp đỡ hỗ trợ người nghèo, người đang gặp khó khăn do thiên tai. Đó không chỉ là việc làm mang ý nghĩa nhân văn, đúng với đạo lý của người Việt Nam ta mà còn là thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước, ngành văn hóa về thực hành tiết kiệm, góp phần bài trừ mê tín dị đoan.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trần thiếu, âm... thừa!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.