Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tràn lan mũ bảo hiểm rởm

Đình Hiệp| 05/10/2011 07:19

(HNM) - Hiện nay, ở TP Hồ Chí Minh, đâu đâu cũng thấy bày bán mũ bảo hiểm (MBH) không xác định được nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng với đủ kiểu dáng, chất liệu mà chẳng thấy cơ quan quản lý nào xử lý.

Doanh nghiệp chân chính "sống dở, chết dở"

Thời gian qua, trên thị trường TP xuất hiện tràn lan các loại mũ có kiểu dáng giống hệt MBH dành cho người đi xe máy, nhưng trên mũ có ghi dòng chữ "mũ thời trang cho người đi bộ và thể thao". Những chiếc MBH này không đủ điều kiện bảo vệ người đi xe máy, nhưng lại được nhiều người "tin dùng" bởi giá siêu rẻ, từ 20.000 đến 35.000 đồng.

Chất lượng của những chiếc MBH bán trên vỉa hè này là điều đáng lo ngại!


Ông Lưu Song Hùng, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH nhựa Chí Thành (TP Hồ Chí Minh) - một DN sản xuất MBH uy tín trên thị trường - than thở với phóng viên Hànộimới: "Với Nghị định 34/CP của Chính phủ về quy định đội MBH, công ty chúng tôi và nhiều DN nhựa khác đã đầu tư vốn, nhân lực rất lớn để sản xuất MBH. Tuy nhiên do các loại MBH giả, MBH biến tướng bán tràn lan với giá cực thấp làm cho các loại MBH chất lượng cao không thể cạnh tranh được". Ông Hùng cho biết, doanh số của công ty so với năm 2009 đã giảm khoảng 70%, khiến công ty buộc phải cắt giảm nhân lực từ 800 công nhân xuống còn 300; đồng thời thu hẹp thị trường, từ hơn 1.000 đại lý trên khắp cả nước nay chỉ còn 565. "Một chiếc MBH chất lượng phải được bán với giá trên 100.000 đồng/chiếc thì DN mới có thể duy trì sản xuất, chứ với giá chỉ từ 20.000 đồng thì DN chân chính không thể sống nổi" - ông Hùng ngán ngẩm nói.

Cơ quan chức năng bó tay?

Nhiều DN sản xuất MBH chất lượng cho rằng, nguyên nhân gây ra thiệt hại cho họ là do các cơ quan chức năng chưa có biện pháp mạnh khi xử lý các trường hợp vi phạm quy định về đội MBH, tạo điều kiện cho các loại MBH giả, MBH biến tướng bày bán tràn lan. Ông Lý Ngọc Thắng - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường 3A, Chi cục QLTT TP - nói: "Tình trạng MBH kém chất lượng bày bán tràn lan không thuộc trách nhiệm của cơ quan QLTT mà là do chính quyền các phường, xã - nơi có MBH giả bày bán. Cơ quan QLTT chỉ kiểm tra các DN sản xuất MBH có địa chỉ rõ ràng và chỉ xử lý khi có dấu hiệu vi phạm liên quan đến chất lượng hàng hóa". Ông Thắng nêu thực tế hiện nay, các DN sản xuất MBH giả thay đổi địa điểm liên tục, mỗi nơi sản xuất một công đoạn rồi lắp ráp để tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng. Nghịch lý hiện nay là các DN sản xuất MBH nếu không đạt chất lượng thì bị  xử phạt và tiêu hủy, nhưng những người kinh doanh MBH giả lại không bị tịch thu tiêu hủy. Đây chính là kẽ hở để các DN sản xuất, bán MBH giả lợi dụng.

Để tháo gỡ khó khăn, Công ty Chí Thành cùng 8 DN sản xuất MBH chất lượng khác ở TP Hồ Chí Minh đã 3 lần kiến nghị lên Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan, đề nghị các cơ quan chức năng sớm đưa MBH vào ngành sản xuất, kinh doanh có điều kiện. Cũng nên có quy định rõ ràng về MBH dành cho người lưu thông bằng xe máy, mô tô để lực lượng CSGT có thể kiểm tra, xử lý. Nghị định 34/CP quy định rất rõ là bắt buộc đội MBH khi ngồi trên mô tô - xe máy, vì vậy CSGT cần xử lý mọi trường hợp sử dụng MBH giả, MBH biến tướng, thậm chí không phải là MBH. Cùng với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tham gia giao thông, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử phạt nặng các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại MBH giả trên thị trường hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tràn lan mũ bảo hiểm rởm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.