Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tràn lan đồ chơi bạo lực

Kim Vũ| 31/08/2017 06:56

(HNM) - Gần đây, thông tin cảnh báo việc trẻ em dùng đồ chơi không rõ nguồn gốc, đồ chơi có tính chất bạo lực, nguy hiểm đến sức khỏe gia tăng đáng kể. Tuy vậy, người tiêu dùng vẫn có thể dễ dàng mua chúng ở bất cứ đâu...

Đồ chơi bạo lực rao bán công khai trên mạng.


Dễ như mua... bim bim

Tìm đến những khu phố bán đồ chơi quen thuộc như Lương Văn Can, Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm), thật dễ để sở hữu được một khẩu súng bắn bi, bắn đạn nước... các cỡ lớn, nhỏ với giá từ 30.000 đồng đến 500.000 đồng. Tuy đề phòng nhưng người bán "bắt sóng" khách hàng rất nhanh.

Họ trấn an: Súng đồ chơi không gây nguy hiểm, nếu bị bắn chỉ như kiến cắn. Hoặc khi đề cập việc mua bộ xương người bằng nhựa, người bán hàng đưa ngay không do dự. Các loại mặt nạ ma cũng được chào bán một cách công khai.

Một chủ hàng ở phố Lương Văn Can cho biết, tất cả đều là hàng Trung Quốc, không tem bảo đảm, nhãn mác. Theo quan sát, để "che mắt" lực lượng chức năng, các tiểu thương thường cất giấu đồ chơi nguy hiểm ở bên trong, khi có khách mua mới mang ra bán.

Nếu trước đây, mua đồ chơi lạ, độc thường phải lên Lương Văn Can, Hàng Mã... thì nay trẻ em dễ dàng mua ở các cửa hàng bán đồ chơi tại các cổng trường tiểu học, trung học cơ sở; dọc các tuyến phố, chợ... ở các quận, huyện. Tại phố Đội Cấn, một cửa hàng kinh doanh tổng hợp... luôn chào đón "khách nhí" bằng đồ chơi bạo lực, kinh dị. Nhiều phụ huynh không lường trước nguy hiểm, mua súng bắn bi cho con để tặng quà sinh nhật.

Chị Nguyễn Ngọc Ánh (phố Đội Cấn, Ba Đình) sửng sốt khi con trai chị và bạn đã dùng súng bắn bi vào mặt nhau. Cũng may viên đạn đi sượt qua mắt, nếu không hậu quả thật khôn lường. Khu vực cổng Trường Tiểu học Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm), có nhiều cửa hàng bán đồ chơi, đồ ăn phục vụ "thượng đế" là học sinh. Thật dễ dàng để mua được những bộ súng bắn nhựa, bắn bi với giá rẻ.

Đồ chơi kinh dị, độc hại được rao bán nhiều nhất trên các trang mạng xã hội. Chỉ cần đăng ký, khách hàng nhận đồ mới thanh toán khiến việc mua bán chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Trên các trang raovat.com; phomuaban; shopnosan... đồ chơi liên tục được giảm giá. Gần đây, trên các trang mạng xã hội cũng xuất hiện các đoạn video, bài viết dạy cách làm nỏ bắn tăm mini theo đồ chơi của Trung Quốc bằng các "nguyên liệu" đơn giản, chỉ cần đôi đũa, bút chì, ít chun, băng dính là... xong.

Khó kiểm soát

Nửa cuối năm 2013, dư luận từng xôn xao về thứ đồ chơi bom thối dễ phát nổ. Năm 2014, đồ chơi quả cầu gai, búp bê đầu trái cây từng được cảnh báo chứa chất gây ung thư, phá hủy hormone… Trong 3 năm 2015, 2016, 2017, đồ chơi súng bắn bi, bắn đạn nhựa, đao... là mốt và có xu hướng tồn tại lâu dài.

Trao đổi với phóng viên, Đại úy Nguyễn Minh Hiếu, Phó Trưởng Công an phường Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) cho biết: Thông thường, cận kề Tết Trung thu mới tấp nập người mua bán đồ chơi, tuy nhiên, hiện nay giao dịch quanh năm. Lực lượng chức năng phường thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, thu giữ hàng không rõ nguồn gốc.

Về kế hoạch thanh, kiểm tra, ông Nguyễn Minh Hiếu cho biết, do nắm bắt được sự bất lợi, năm nay các tiểu thương đã di chuyển kho hàng về các huyện ngoại thành. Do vậy, các loại đồ chơi nhập lậu, độc hại, nguy hiểm nay đã phủ kín khắp địa bàn Hà Nội. Việc quản lý sẽ càng khó khăn hơn.

Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, bên cạnh việc thanh, kiểm tra thường xuyên các đầu mối bán đồ chơi, lực lượng cũng tuyên truyền, tổ chức ký cam kết kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng; không buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng công bố "Đường dây nóng" tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...

Đồ chơi thuộc danh mục bị cấm kinh doanh nhưng vẫn mua bán dễ dàng. Hơn ai hết, các bậc phụ huynh nên định hướng cho trẻ hiểu biết về sự nguy hại từ đồ chơi bạo lực, đồ chơi không rõ nguồn gốc để tránh tình trạng "đồ chơi giả, tai nạn thật".

Đồ chơi bạo lực thực chất là một dạng vũ khí sát thương, nguy hại cho cả trẻ em lẫn người lớn. Nghị định 59/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, nêu rõ: Đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội (bao gồm các chương trình trò chơi điện tử) thuộc danh mục hàng hóa bị cấm kinh doanh. Còn theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ, cá nhân, tổ chức sản xuất có thể bị phạt hành chính từ 500.000 đến 1.000.000 đồng; ngoài ra, có thể bị phạt bổ sung. Cá nhân, tổ chức cho trẻ em chơi những loại đồ chơi nguy hiểm có thể bị phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tràn lan đồ chơi bạo lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.