Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trăm sự tại đường ngang

Tuấn Khải| 31/07/2015 06:37

(HNM) -


Để khắc phục tình trạng trên, yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra, chủ động phối hợp để xử lý những vấn đề gây mất an toàn giao thông (ATGT). Quận, huyện không thực hiện sẽ phải chịu trách nhiệm với thành phố; các đơn vị của ngành đường sắt sẽ phải chịu trách nhiệm với Bộ GT-VT" - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã nhấn mạnh tại buổi làm việc với Ủy ban ATGT quốc gia và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) mới đây.

Tai nạn tăng cao

Theo Sở GT-VT Hà Nội, mạng lưới đường sắt trên địa bàn thành phố gồm 5 tuyến hướng tâm và 1 tuyến đường vành đai phía tây với tổng chiều dài 145,5km, gồm các tuyến: Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, Bắc Hồng - Văn Điển, Yên Viên - Lào Cai, Đông Anh - Quán Triều, Gia Lâm - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng. Đặc biệt, có 2 tuyến liên vận quốc tế là tuyến Hà Nội - Lạng Sơn - Bằng Tường (Trung Quốc) và tuyến Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh (Trung Quốc). Hầu hết các tuyến là đường khổ hẹp 1.000mm với ray loại cũ. Các tuyến chưa có hành lang riêng, hầu hết là giao cắt đồng mức với các tuyến giao thông đường bộ; hệ thống thông tin tín hiệu lạc hậu. Hệ thống đường sắt giao cắt với hệ thống giao thông đường bộ của thành phố đã hình thành hàng trăm đường ngang phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt.


Nhằm bảo đảm ATGT, các cơ quan chức năng đã tổ chức trực cảnh giới tại 17 trạm. Trong đó, có 14 vị trí trên tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh và 3 vị trí trên tuyến Hà Nội - Thái Nguyên. Bên cạnh đó, Sở GT-VT Hà Nội đã rà soát các điểm giao cắt, mở rộng mặt cắt ngang đường để giảm độ dốc tại các vị trí giao cắt và bổ sung 357 bộ biển báo nhằm giúp các phương tiện đi lại an toàn… Tuy nhiên, vẫn còn tới 62 vị trí có nguy cơ TNGT cao.

Dù đã rất nỗ lực, nhưng số vụ TNGT thời gian qua lại có chiều hướng gia tăng. Theo Ban ATGT thành phố, chỉ riêng từ ngày 16-11-2014 đến ngày 15-7-2015, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 16 vụ TNGT, làm 19 người chết, 8 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2014, tăng 9 vụ (52,97%), tăng 1 người chết (5,56%), tăng 5 người bị thương (166,7%).

Ông Nguyễn Xuân Tân - Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là mật độ giao thông đường bộ quá cao. Nhiều nút giao không có gác chắn, hệ thống tín hiệu cảnh báo giữa đường bộ và đường sắt chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, ý thức của người tham gia giao thông dọc tuyến đường còn kém…

Dù thừa nhận những bất cập, lạc hậu, song đại diện VNR cho rằng, TNGT tăng cao còn có lý do sự phối hợp giữa các đơn vị quản lý đường sắt và địa phương còn lỏng lẻo. Một số phường, xã, thị trấn có tuyến đường sắt đi qua như phường Phương Mai (quận Đống Đa), phường Thạch Bàn (quận Long Biên), thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì) không thực hiện đúng cam kết phối hợp quản lý hành lang ATGT đường sắt. Tuy nhiên, lãnh đạo các quận, huyện nói trên đều khẳng định chưa nhận được thông tin phản ánh nào từ phía ngành đường sắt về sự thiếu phối hợp này.

Chủ động phối hợp xử lý từng vấn đề

Một trong những giải pháp chủ yếu nhằm hạn chế các vụ TNGT đường sắt được nêu ra là phải hạn chế, từng bước loại trừ các đường ngang dân sinh tự phát. Xung quanh vấn đề này, ông Khương Thế Duy - Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho rằng, giảm được đường ngang sẽ giảm được TNGT đường sắt, nhưng để tiến tới xóa được triệt để các đường ngang cần phải đưa ra được lộ trình cụ thể cho từng năm, chứ nếu chỉ đặt mục tiêu chung chung sẽ rất khó.

Để khắc phục các tồn tại, ông Nguyễn Xuân Tân kiến nghị Bộ GT-VT cho nâng cấp các đường ngang từ cảnh giới bằng biển báo thành cảnh giới tự động (có đèn và chuông báo), có gác chắn tự động; VNR tập trung làm hệ thống đường gom, đóng các vị trí mở trái phép. Bên cạnh đó, đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các quận, huyện có biện pháp bảo đảm ATGT đối với các đường ngang dân sinh mở tự phát, kể cả áp dụng biện pháp phải đóng lại…

Không đồng tình với việc ngành đường sắt và các quận, huyện đổ lỗi cho nhau, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, để khắc phục tình trạng trên, yêu cầu tăng cường kiểm tra, giao trách nhiệm cho từng đơn vị có liên quan trong việc bảo vệ hành lang ATGT đường sắt. Các đơn vị phải chủ động phối hợp để xử lý những vấn đề gây mất ATGT. Cụ thể là rà soát lại, lên phương án xử lý từng tuyến đường ngang dân sinh; hạ độ dốc giữa đường sắt và đường bộ nhưng không để ảnh hưởng đến việc tàu chạy; sửa chữa lại các điểm, trạm gác chắn xuống cấp; hiện đại hóa ngay các hệ thống barie chắn tàu, nhất là trong khu vực nội đô. Trong từng phần việc, nếu quận, huyện không thực hiện sẽ phải chịu trách nhiệm với thành phố, còn các đơn vị của ngành đường sắt phải chịu trách nhiệm với Bộ GT-VT.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trăm sự tại đường ngang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.