Theo dõi Báo Hànộimới trên

”Trăm dâu” đổ đầu… người dân!

Thế Phương| 12/09/2013 05:38

(HNM) - Những ngày gần đây, giá thuốc và giá sữa tiếp tục làm "nóng" dư luận dù không phải là vấn đề mới. Việc hạ giá thành hay nói đúng hơn là quản lý chặt chẽ giá hai mặt hàng thiết yếu này từ lâu đã được đặt ra nhưng cho đến nay đây vẫn là vấn đề bức xúc.


1. Theo thông tư hướng dẫn đấu thầu thuốc trong các cơ sở y tế (có hiệu lực từ tháng 6-2012) của Bộ Y tế, các loại thuốc muốn trúng thầu phải có giá thành thấp nhất. Việc thực hiện thông tư này trong những ngày vừa qua đã mang lại hiệu quả ban đầu, kinh phí cho thuốc chữa bệnh tại nhiều bệnh viện giảm đáng kể, nhưng vẫn làm nhiều người lo ngại. Đó là thuốc giá rẻ, không bảo đảm chất lượng có nguy cơ tràn vào các bệnh viện hay không? Theo một số bệnh viện thì vấn đề quan trọng cần đặt ra là mục tiêu chữa bệnh. Với tư duy như vậy, một mặt người ta vẫn thực hiện đấu thầu thuốc theo thông tư của Bộ Y tế nhưng mặt khác vẫn ưu tiên các loại thuốc có chất lượng tốt, có hiệu quả điều trị chứ không ưu tiên thuốc giá rẻ…

Về vấn đề này, Bộ Y tế cho rằng: Thuốc lưu hành tại thị trường Việt Nam phải đạt tiêu chuẩn và được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành (sau khi được thẩm định đầy đủ về tiêu chuẩn chất lượng thuốc, các dữ liệu lâm sàng về an toàn, hiệu quả của thuốc). Ngoài ra, đối với một số nhóm hoạt chất phải thực hiện nghiên cứu đánh giá tương đương sinh học theo quy định để được cấp số đăng ký lưu hành. Vì vậy chất lượng thuốc là hoàn toàn đạt yêu cầu. Như vậy có nghĩa là những lo lắng nêu trên là không có cơ sở? Thế nhưng vì sao một số bệnh viện vẫn vừa thực hiện thông tư của Bộ Y tế, vừa ưu tiên các loại thuốc có chất lượng?

2. Theo quy định, sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi phải đăng ký giá bán. Còn đối với các mặt hàng sữa nước, doanh nghiệp tự quyết định giá bán nhưng sẽ được các sở tài chính giám sát, can thiệp khi có hiện tượng tăng giá bất thường. Nhưng vấn đề ở chỗ cái gọi là "giám sát", "can thiệp" hay nói đúng hơn là việc quản lý thị trường không mang lại hiệu quả, dẫn đến tình trạng giá sữa liên tiếp bị đẩy lên cao. Theo một chuyên gia kinh tế, nhiều cuộc thanh tra về giá cho thấy hầu hết sản phẩm của các hãng sữa ngoại như Abbott, Mead Johnson... đều có giá bán lẻ gấp nhiều lần giá nhập khẩu.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, giá sữa bị đẩy lên là do chi phí quảng cáo, chi phí hoa hồng, chiết khấu cho các tầng nấc, kênh phân phối… Mặc dù hạn mức chi phí quảng cáo của doanh nghiệp được quy định không quá 10% tổng chi phí hợp lệ. Nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp đã "lách luật", thậm chí có doanh nghiệp chi phí quảng cáo chiếm tới vài chục phần trăm. Nếu các chi phí bất hợp lý được xếp vào khoản thu nhập của doanh nghiệp và chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ phải tự xem xét lại các chi phí, cân nhắc về khoản thuế thu nhập doanh nghiệp phải đóng. Vậy ở đây có vấn đề về quản lý.

3. Vì sao giá thuốc, giá sữa tiếp tục "đốt nóng" dư luận? Nguyên nhân có lẽ không phải bàn nhiều nhưng cách thức "kéo" giá của hai mặt hàng thiết yếu này tiệm cận với giá trị thực lại là vấn đề cần được bàn thảo. Nếu các cơ quan quản lý nhà nước không vào cuộc một cách quyết liệt, nếu các văn bản pháp luật, các quy định của Nhà nước không được thực hiện một cách nghiêm túc thì "trăm dâu" sẽ tiếp tục đổ vào đầu người dân và cả cộng đồng sẽ tiếp tục phải gánh chịu những vấn nạn có nguyên nhân từ những yếu kém trong công tác quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
”Trăm dâu” đổ đầu… người dân!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.