Có ai nuôi con mới thấu hiểu tình cảm to lớn dành cho con và sự vất vả mà người mẹ phải gánh chịu.
Niềm vui hồi sinh |
Với chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, người đàn bà nghèo ở thôn Phượng Thái, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát- Bình Định, sự vất vả ấy tăng thêm bội phần khi đứa con vừa sinh ra đã bị tật nguyền quá nặng, tưởng chừng không qua khỏi. Và khi đứa bé được hồi sinh nhờ những bàn tay nhân ái từ chương trình “Trái tim cho em”, chị Thuỷ cũng thấy dường như chính mình được sống lại.
Người đàn bà lam lũ
Bé Nguyễn Trường Thạch là đứa con trai đầu lòng của chị Thuỷ, sinh năm 2006. Mới sinh ra, bác sĩ đã phát hiện Thạch không có hậu môn. Thế là đứa bé mới sinh được 1-2 ngày đã phải lên bàn mổ để thực hiện những ca đại phẫu. Nhưng các bác sĩ rất ngần ngại vì họ đã phát hiện thêm Thạch bị bệnh tim rất nặng và gia đình phải cam kết chấp nhận mọi rủi ro để Thạch được mổ. Cũng may là ca mổ thành công.
Trước và sau mổ Thạch rất yếu, hay bị ốm sốt, ăn ít, khóc nhiều, một tháng sốt 6-7 lần về chiều, những lần cháu khóc không ra hơi, da tím tái trông rất sợ. Những đêm thức trắng bế con, những ngày dài ngồi trông con ở viện đã trở thành nếp sống thường ngày của người đàn bà vùng cát trắng này.
Khi Thạch 3 tuổi, chị Thủy mang con ra Huế khám, xét nghiệm mất mấy ngày, bệnh viện báo cho gia đình biết: Thạch bị “tứ chứng Fallot”, một trong những thể rất nặng của bệnh tim và phải chuẩn bị 40 triệu đồng để chi phí mổ cho cháu. Lấy đâu tiền để mổ cho con khi cả nhà chị đều trong cảnh nghèo khó? Làm công nhân da giày ở TP Quy Nhơn được vài năm, Thủy kết hôn, chồng Thủy là một thanh niên nông thôn chất phác từ một tỉnh miền Trung vào đây làm gỗ, công việc vất vả nay đây mai đó mà tiền chẳng kiếm được bao nhiêu.
Đứa con ốm đau triền miên khiến Thuỷ phải bỏ cả việc làm ở công ty da giày để ở nhà trông con và đem con đi viện, còn chồng chị cũng phải bỏ nghề gỗ đi làm phụ hồ để có chút thời gian phụ vợ. Nghề phụ hồ mỗi ngày được vài chục ngàn, bữa có bữa không làm sao xuể tiền ăn tiền thuốc, tiền sữa cho con rồi lại tiền sinh hoạt cho cả nhà. Thế là Thuỷ lại tất tưởi đem con gửi bà ngoại và các chị trông hộ rồi toòng teng quang gánh lên Quy Nhơn đi mua ve chai.
Nghề thu gom ve chai vô cùng vất vả. Những ngày đầu còn ít người, Thuỷ cũng kiếm được kha khá gửi về cho con. Nhưng rồi người nhiều hàng ít, có ngày đi rã cẳng cả ngày, Thuỷ chỉ kiếm được vài ngàn đồng bạc, chỉ đủ cho bữa cơm chiều đạm bạc nơi đất khách quê người. Trong tình cảnh như thế, 40 triệu đồng quả là một khoản tiền trong mơ đối với người đàn bà lam lũ này. Đã có lúc Thủy và gia đình thấy đứa bé chẳng còn hy vọng sống, và khi Thạch hơn 3 tuổi, vợ chồng chị đã sinh thêm một bé gái với ý nghĩ buông xuôi “Thôi thì lỡ đứa con trai có mệnh hệ gì thì đã có em nó...”.
Cơ hội tái sinh...
Cơ may đến với gia đình Thủy khi chị biết tới chương trình “Trái tim cho em”, mổ tim miễn phí cho trẻ em nghèo do Viettel khởi xướng. Thế là chị liên lạc, làm hồ sơ rồi khấp khởi chờ đợi... Ngày nhận được tin hồ sơ của cháu Thạch đã được duyệt tài trợ mổ tim, Thuỷ khóc lặng vì mừng và cả vì tủi...
Gom hết số tiền nhỏ nhoi dành dụm được, rồi hai bên nội ngoại, bà con chòm xóm giúp đỡ được tất cả vài triệu đồng, Thuỷ tức tốc ôm con ra Huế chờ khám và mổ. Làm đủ các thứ xét nghiệm, bác sĩ bảo trường hợp của Thạch là rất khó vì hầu như cháu mắc những tật cơ bản của tim nên phải chờ chuyên gia nước ngoài mới mổ được. Lúc lên lịch mổ, bệnh viện gọi lên bảo họp gia đình mà xác định tư tưởng, “ca mổ khó lắm đấy, chưa chắc đã đảm bảo đâu” càng làm Thuỷ hoang mang. Không dám đem con về nhà, 5 tháng đằng đẵng nằm ở Huế chờ mổ là khoảng thời gian cực hình đối với Thuỷ và gia đình. Số tiền ít ỏi đem theo hết vèo.
Có người bảo chị đem con ra chợ Đông Ba mà xin. Mang con ra chợ Đông Ba xin tiền, đứa bé khóc ngằn ngặt, da tím đen như con mèo ốm, ai thấy cũng thương cảm rớt nước mắt. Nhiều lúc chị Thủy muốn buông xuôi nhưng nhìn đứa con như tàu lá úa, chị lại vùng dậy bế con ra đường cố gắng bấu víu vào những tia hy vọng mong manh. Người cho chút tiền, người dăm gói mỳ tôm, có người cho đứa bé vài bịch sữa... cũng tạm đủ để 2 mẹ con lần lữa chờ tới ngày lên bàn mổ.
Ca mổ kéo dài một ngày nhưng tới 4 ngày sau gia đình mới được vào thăm. Lúc mới nhìn lại thấy con, Thuỷ đã oà khóc với tất cả sự chất chứa trong lòng.
5 ngày sau ca mổ, đứa bé trở nên hồng hào, bé đã đòi ăn, đòi mẹ mua đồ chơi, đòi về nhà. Ngày đón bé Thạch trở về, cả nhà Thuỷ như trong ngày hội, niềm vui lan ra chòm xóm. Giờ đây, con chị đã có cơ hội hoà nhập với bao đứa trẻ khác, chị cũng đã có cơ hội để làm lại công việc yêu thích của một cô thợ da giày như ngày nào.
Mỗi năm nước ta có khoảng 16 ngàn ca trẻ mắc bệnh tim. Mỗi ca mổ tim trung bình tốn hơn 50 triệu đồng, và số đông những em mắc bệnh đều thuộc gia đình nghèo khó, hoàn cảnh khó khăn, không đủ chi phí cho phẫu thuật. Chương trình “Trái tim cho em” được Viettel, Bệnh viện Nhi TƯ khởi xướng từ tháng 6.2008. Chỉ sau một thời gian ngắn, với sự kêu gọi của Viettel, sự hưởng ứng của Đài Truyền hình Việt Nam, Tổ chức Đông Tây hội ngộ, rất nhiều doanh nghiệp đã chung tay cùng Viettel thực hiện chương trình này như: Tập đoàn Thăm dò và Khai thác dầu khí PVEP, BIDV, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ngân hàng TMCP Bắc Á... Tổng số quỹ gây được đến hết ngày 31.1.2010 là trên 23 tỷ đồng, chưa kể trên 6 tỷ đồng do các tổ chức địa phương đóng góp. Đã phẫu thuật và can thiệp cho 483 trường hợp trẻ em mắc bệnh tim và tiếp tục cam kết hỗ trợ theo kế hoạch 617 trường hợp. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.