(HNM) - Sự gia tăng của tội phạm về ma túy khiến cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giam giữ luôn trong tình trạng quá tải.
- Xin ông cho biết, việc giam giữ người phạm tội trong các nhà tạm giam, tạm giữ hiện nay ra sao?
- Việc tạm giữ, tạm giam hiện nay an toàn. Cơm ăn, nước uống của người bị giam giữ đều bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ khẩu phần ăn. Ngoài ra, ban quản lý các trại tạm giam, tạm giữ đã tạo điều kiện cho người bị giam giữ tăng gia, lao động sản xuất lấy thực phẩm cải thiện. Do đó, phạm nhân luôn ở trong tình trạng sức khỏe tốt.
- Nhưng, có thông tin cho biết, các cơ sở giam giữ của chúng ta hiện đang trong tình trạng quá tải?
- Nhiều năm nay, việc quy định 2m2/chỗ nằm vẫn chưa bảo đảm được. Tôi cho rằng, nguyên nhân chính làm quá tải nhà tạm giam, tạm giữ là tội phạm liên quan đến ma túy phát sinh nhiều. Ủy ban Tư pháp của QH đã kiến nghị cơ quan chức năng có lộ trình nâng cấp cải tạo, xây dựng mới cơ sở hạ tầng nơi giam giữ, bảo đảm diện tích chỗ nằm. Chúng tôi cũng đề xuất những trường hợp không cần thiết phải tạm giam, tạm giữ thì nên áp dụng bằng các biện pháp khác như cho bảo lãnh, cho đặt tiền, cấm đi khỏi nơi cư trú.
- Trên thực tế, loại tội phạm ít nghiêm trọng như ông nêu trên, khi được ra khỏi trại giam lại hay trộm cắp vặt, gây bức xúc xã hội. Liệu có giải pháp nào khả thi hơn không?
- Đúng là có đối tượng trốn, không bắt giữ được nên sau đó không đưa ra xét xử được. Cũng có những vấn đề tồn tại bởi quy định của pháp luật về căn cứ tạm giữ, tạm giam, theo tôi cũng cần sửa cho rõ. Hiện nay, người bảo lãnh để tội phạm bỏ trốn vẫn chưa có quy định để xử lý. Trong điều kiện hiện nay, cần nâng cao trách nhiệm của người bảo lãnh và nếu để tội phạm bỏ trốn, người bảo lãnh phải bị phạt tiền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.